Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ công nhân, lao động kỹ thuật cao năm 2019

(VOH) - Sáng 5/5, tại TPHCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp gỡ công nhân, lao động kỹ thuật cao năm 2019.

Với chủ đề “Công nhân kỹ thuật cao là một trong những động lực phát triển đất nước”, Thủ tướng Chính phủ và các ban, bộ, ngành, địa phương cùng 1.000 công nhân, lao động, trong đó có 90 công nhân, lao động kỹ thuật cao của 7 địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước như TPHCM, Hà Nội, Hải phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vùng Tàu và các ngành kinh tế kỹ thuật cao đã trao đổi 5 nhóm vấn đề chính được đề cập trực tiếp tại diễn đàn và ý kiến của đoàn viên công đoàn, người lao động cả nước gửi tới Chính phủ.

Đó là: Những chính sách của doanh nghiệp đối với lực lượng công nhân kỹ thuật cao; chính sách của địa phương trong việc phát triển nguồn nhân lực có kỹ thuật cao; đề xuất của công nhân lao động có kỹ thuật cao đối với Chính phủ trong việc ban hành những chính sách để tạo động lực phát triển bản thân; làm gì để những lao động bình thường trở thành công nhân kỹ thuật cao; tâm tư nguyện vọng của chính những công nhân có kỹ thuật cao để có thể đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của doanh nghiệp, của địa phương và đất nước. 

gặp gỡ công nhân

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi gặp gỡ công nhân

Đại diện cho 90 công nhân kỹ thuật cao tại buổi gặp, công nhân Nguyễn Xuân Quang - Xí nghiệp vật lý giếng khoan - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đề xuất: “Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo đổi mới nội dung và phương thức đào tạo công nhân lao động kỹ thuật cao và công tác đào tạo nghề hiện nay. Công tác đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và đáp ứng được yêu cầu khắc khe của thị trường lao động. Vấn đề thực hành phải đi sát với công nghệ hiện đại để người lao động có thể nắm bắt và vận hành tốt thì mới áp dụng vào thực tế công việc. Trong quá trình làm việc, công nhân kỹ thuật rất cần được cập nhật và bồi dưỡng thường xuyên những kỹ năng về chuyên môn, ngoại ngữ để làm chủ công nghệ mới. Doanh nghiệp phải quan tâm xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp trên cơ sở có chính sách quan tâm, tạo điều kiện cho người lao động có thời gian và kinh phí để học tập nâng cao trình độ, kiến thức tay nghề, cập nhật kiến thức mới. Bên cạnh đó, cần có tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia đối với lao động kỹ thuật cao để phát triển nhân lực chất lượng cao có tính đặc thù”. 

Còn theo để xuất của công nhân Phan Quang Liền, công ty Cổ phần Dệt may 23/9, để công nhân lao động kỹ thuật cao phát huy được hết khả năng của mình, giống như một cách khởi nghiệp, Chính phủ cần có chính sách đặt hàng với doanh nghiệp, với lao động kỹ thuật cao trong nghiên cứu khoa học, trong sản xuất máy móc thiết bị công nghệ cao phù hợp với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp và nhu cầu của xã hội. Đồng thời cần có chính sách hỗ trợ lao động kỹ thuật cao tiếp tục nghiên cứu, học tập để có học vị cao hơn, hỗ trợ lao động kỹ thuật cao xuất bản sách chuyên ngành như một nguồn tài nguyên quý giá của xã hội.

Liên kết Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học quốc gia TPHCM, vấn đề đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội cũng là trăn trở chung hiện nay của các trường. Đào tạo như thế nào để sinh viên khi ra trường có thể đáp ứng ngay nhu cầu của doanh nghiệp và rút ngắn được khoảng cách tiếp cận với công nghệ hiện đại. Có một thực tế hiện nay, vấn đề liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp còn khá lỏng lẻo. Chỉ khi doanh nghiệp cần thì mới tìm đến nhà trường để tìm kiếm nguồn nhân lực. Các giảng viên, nhà nghiên cứu thì cũng lúng túng khi chuyển giao các công trình nghiên cứu để áp dụng vào thực tiễn. Vì vậy, cần có sự vào cuộc của Chính phủ để thực hiện theo tam giác liên kết đó là: nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng tốt nhu cầu xã hội. 

Trả lời các kiến nghị của công nhân lao động kỹ thuật cao, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, đánh giá cao đề xuất đào tạo gắn với thực tiễn, đồng bộ giữa đào tạo và thực hành của công nhân lao động. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhìn nhận, hiện có nhiều trường chỉ dạy những gì đang có chứ chưa chú trọng đến yếu tố kỹ thuật, yêu cầu của doanh nghiệp, trong đó có nguyên nhân yếu tố dự báo còn xa với thực tế. Hiện Bộ đã chỉ đạo, cho phép tạo môi trường sinh thái gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, theo đó, cho doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào việc đào tạo, các kỹ sư có kinh nghiệm có thể tham gia đào tạo. Hiện tại đã có Đại học Nguyễn Tất Thành áp dụng phương thức này.

Bộ Giáo dục Đào tạo cũng cho phép các trường chủ động đào tạo các mã ngành mà các nước tiên tiến đã có để cập nhật trình độ quốc tế. Việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, tay nghề cho công nhân, lao động là rất cần thiết và cần học tập suốt đời vì các kiến thức, kỹ năng luôn thay đổi. Vì vậy, Bộ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp chủ động tạo điều kiện cho công nhân, lao động về chi phí, thời gian để nâng cao trình độ, tay nghề của mình. 

Trước những vấn đề đặt ra đối với công nhân kỹ thuật cao cho sự phát triển của đất nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Công nhân, lao động kỹ thuật cao là những người đang làm chủ công nghệ, làm chủ máy móc, điều hành dây chuyền sản xuất công nghệ cao thay thế chuyên gia nước ngoài; tích cực, sáng tạo trong học tập, tiếp thu kinh nghiệm tiên tiến, của thế giới để sản xuất thiết bị máy móc hiện đại. Việc lắng nghe những ý kiến, nguyện vọng của công nhân, lao động là vô cùng cần thiết.

Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Trong những lần gặp gỡ trước, nhiều tâm tư, nguyện vọng chính đáng của công nhân, lao động đã được Thủ tướng chia sẻ và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Tổ chức Công đoàn đã có những bước tiến quan trọng, đột phá trong chăm lo cuộc sống, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đảng, Nhà nước và Chính hhủ đã kịp thời ghi nhận và xây dựng những chính sách phù hợp để chăm lo đời sống cho công nhân, người lao động, có những đổi mới trong công tác quản lý, đào tạo nhân lực. Qua diễn đàn, các anh chị em công nhân đặt ra những câu hỏi, đưa ra các ý kiến thật sát với đời sống của mình, những vấn đề mà các anh chị đang quan tâm, nhứt nhối nhất. Để qua đây, chúng ta cùng tìm ra những định hướng phát triển trong tương lai.

Lấy doanh nghiệp và người lao động làm trung tâm

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phát triển lực lượng công nhân, lao động kỹ thuật cao phải là chuỗi mắt xích: Cơ chế, chính sách từ Chính phủ, từ địa phương; sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc nâng chất lượng đội ngũ lao động, nâng cao năng suất và bản thân những cố gắng từ chính những người lao động trong việc thích ứng, chủ động để trở thành người có trình độ cao. Từ đây sẽ tạo ra những bước ngoặt và yêu cầu thực tế là phải ngay lập tức có hành động, đột phá lấy doanh nghiệp và người lao động làm trung tâm. Bởi, công nhân, lao động kỹ thuật cao chính là yếu tố có tính quyết định để phát triển bền vững đất nước. 

Ông Bùi Văn Cường - Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng: Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phương thức sản xuất có nhiều đổi mới, nhưng bản chất vẫn là sản xuất công nghiệp, gắn với công nhân và công nghệ. Anh chị em công nhân lao động cần nhìn nhận đây là cơ hội hơn là thách thức nếu mình có nhận thức đúng và bước đi phù hợp. Từ đó xác định, mỗi người công nhân, lao động trong kỷ nguyên số cần phải làm chủ công nghệ và có kỹ năng mà máy móc không thể có. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang có những nỗ lực cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu phát triển mới cũng như không để tụt lại phía sau con tàu cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới.

Kinh tế Việt Nam năm 2018 khởi sắc với mức tăng trưởng đạt 7,08%, tăng cao nhất 10 năm qua. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 8,7%; khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 48,6%; khu vực dịch vụ đóng góp 42,7%. Điểm sáng trong thành tựu chung đó, có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ công nhân, lao động kỹ thuật cao. 

Tín hiệu đáng mừng khác là, riêng quý 4/2018, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ là 22,22%, tăng 0,42 % so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tỷ lệ công nhân, lao động kỹ thuật có trình độ trung cấp trở lên trong tổng số lực lượng lao động là 18,79% - con số khiêm tốn so với yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế nhưng lại là một trong 5 trụ cột quyết định và là động lực phát triển đất nước.

Trong bối cảnh đó thì cuộc gặp gỡ lần này với Thủ tướng một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đến công nhân, lao động; khẳng định Công đoàn Việt Nam, người lao động đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước. Trước câu hỏi, công đoàn làm gì để đồng hành thực hiện thúc đẩy phát triển đội ngũ công nhân, lao động kỹ thuật cao cả về số lượng, chất lượng? 

Ông Cường cũng đã nêu ra những nhiệm vụ của tổ chức công đoàn đối với lực lượng lao động này là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người lao động và cả người sử dụng lao động về vị trí, vai trò của công nhân, lao động kỹ thuật cao trong nâng cao năng suất lao động. Công đoàn tham gia vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công nhân có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp ngày càng cao, có khả năng tiếp thu nhanh và làm chủ công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nâng cao chất lượng các cơ sở dạy nghề của công đoàn theo hướng gắn kết với doanh nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng đào tạo theo nhu cầu sử dụng, đào tạo tại chỗ, đào tạo theo yêu cầu của xã hội. Tiến hành sắp xếp các cơ sở dạy nghề hoạt động không hiệu quả để tập trung xây dựng một số cơ sở dạy nghề chất lượng cao của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Tham gia xây dựng chính sách phát triển đội ngũ công nhân kỹ thuật cao; tập hợp lực lượng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của công nhân, lao động với Đảng, Nhà nước để phát triển đội ngũ công nhân, lao động kỹ thuật cao về số lượng và chất lượng. Đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động; phối hợp, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt chính sách nâng cao chất lượng, cải thiện đời sống của công nhân, lao động nói chung và công nhân, lao động kỹ thuật cao nói riêng, nhất là vấn đề về nhà ở, các phúc lợi xã hội khác.

Những đề xuất kiến nghị

Tại chương trình, thay mặt công nhân, lao động kỹ thuật cao của nước, tổ chức công đoàn Việt Nam cũng đã gửi tới Thủ tướng Chính phủ bản đề xuất kiến nghị gồm 43 nội dung chia làm 7 nhóm vấn đề. Một là, về thuế thu nhập cá nhân đối với thợ mỏ ngành Than, đối với thuyền viên ngành Hàng Hải và công nhân, lao động kỹ thuật cao ngành Dầu khí. Hai là, về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của thuyền viên ngành Hàng hải, của công nhân mỏ ngành Than. Ba là, về chế độ lương các ngành Hàng Hải, Hàng không, ngành Thép, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội. Bốn là, về điều kiện làm việc của công nhân mỏ, của các y, bác sỹ, công nhân ngành thép, ngành Hàng không. Năm là, về nâng cao chất lượng cuộc sống công nhân, lao động kỹ thuật cao. Sáu là, về chính sách đào tạo công nhân, lao động kỹ thuật cao. Bảy là, về chính sách phát triển đội ngũ công nhân, lao động kỹ thuật cao. Những hiến kế, đề xuất, kiến nghị trên đều mang tâm huyết của công nhân, lao động kỹ thuật cao, mong muốn Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan kịp thời nghiên cứu, triển khai thực hiện.

Được biết, đây là năm thứ 4 liên tiếp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức diễn đàn người đứng đầu Chính phủ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất chính sách của công nhân, lao động với sự phát triển của doanh nghiệp, địa phương, ngành và đất nước. Đặc biệt, cuộc gặp cũng là dịp để đoàn viên, công nhân, lao động được đón nhận thông điệp của Đảng và Chính phủ gửi tới người lao động cả nước nhân Ngày Quốc tế Lao động 1/5, Tháng Công nhân – Tháng cao điểm tổ chức các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp quan tâm xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhân dịp này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng khen của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho 90 công nhân, lao động kỹ thuật cao có thành tích tiêu biểu. 

Giá cả thị trường hôm nay 5/5/2019: Đu đủ 13 ngàn đồng một kg - Đu đủ được bán với giá 13.000 đến 15.000 đồng/kg tại chợ Gò Vấp (thành phố Hồ Chí Minh).

Giá vàng hôm nay 5/5/2019: Đà giảm kéo dài - Giá vàng thế giới phiên cuối tuần phục hồi nhẹ kéo giá vàng trong nước đảo chiều tăng trở lại. Nhưng vàng trong nước đã giảm 120.000 - 150.000 đồng/lượng so với trước kỳ nghỉ lễ 30/4.

Bình luận