Thủ tướng làm việc với TPHCM: Tập trung giải ngân đầu tư công, điểm yếu trong nhiều năm qua

(VOH) - “Đã bàn, đã nói là làm, đã cam kết, đã hứa là phải thực hiện; Đã thực hiện phải có hiệu quả, mang lại thu nhập cho người dân, thuận lợi cho doanh nghiệp”, Thủ tướng yêu cầu tại buổi làm việc.

Phát biểu định hướng nội dung tại buổi làm việc, Thủ tướng nêu dù bị bào mòn sức lực trong đại dịch, nhưng TPHCM đã phục hồi mạnh mẽ với thành tích đáng ngạc nhiên. TPHCM tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, là động lực phát triển của đất nước, truyền cảm hứng cho sự phát triển chung. Do vậy, Chính phủ xét thấy cần thiết phải làm việc với TPHCM để ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng của Đảng bộ, Chính quyền, doanh nghiệp, nhân dân TPHCM. Mặt khác, tình hình cũng đang khó khăn liên quan đến bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán… hiện đang có những tác động, có thể có rủi ro. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với TPHCM.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với TPHCM.

Thủ tướng nhìn nhận TP.HCM có nhiều việc phải làm, nhưng TP nên chọn việc quan trọng làm trước, trong đó có việc giải ngân đầu tư công, một trong những điểm yếu của hệ thống trong nhiều năm.

Theo đó, năm nay việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công rất cần, vì tổng lượng vốn năm nay lớn hơn so với mọi năm. "TP.HCM cố gắng, chúng tôi trong chức năng, nhiệm vụ, Chính phủ, nhất là các bộ, ngành sẽ cùng TP.HCM tháo gỡ những vướng mắc về đầu tư công.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thông tin việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, kinh tế tăng trưởng khá cao, hơn 9% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2022 là 6% - 6,5%), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 17,3% so với cùng kỳ.

Thủ tướng làm việc với TPHCM: Tập trung giải ngân đầu tư công điểm yếu trong nhiều năm qua 2
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi. làm việc. 

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 66,2 tỷ USD, tăng 10% so cùng kỳ. Thu ngân sách ước đạt 457.500 tỷ đồng, đạt 118,35% dự toán được giao và tăng 17,05% so với cùng kỳ.

Đến nay, dự kiến có 15/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022 cơ bản đạt và vượt kế hoạch; có 2/19 chỉ tiêu dự kiến không đạt, có 2/19 chỉ tiêu chưa đủ cơ sở tính toán và đánh giá.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu kiến nghị xem xét nới room tín dụng thêm 2%, cho phép sử dụng nguồn tiền gửi tại bốn ngân hàng quốc doanh nhằm giải ngân cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thanh toán kỳ hạn ngắn. Xem xét sớm thành lập quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp và phong tỏa tài sản của các đơn vị có hoạt động liên quan đến một số vụ việc.

Cùng với đó, cho phép các doanh nghiệp tái cấu trúc nợ và công khai ra thị trường. Có giải pháp nới lỏng các điều kiện, có biện pháp khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp sản xuất. Chỉ đạo đẩy nhanh công tác hoàn thuế cho doanh nghiệp. Chính phủ nghiên cứu có chính sách hỗ trợ cho người lao động bị mất việc khi doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, ít khả năng tìm việc mới trong thời điểm gần đến Tết âm lịch.

Về thị trường xăng dầu, chú trọng mở room tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu, ghi nhận đầy đủ và kịp thời các khoản chi phí trong hình thành giá cơ sở. Tính toán tỉ lệ chiết khấu hợp lý để đảm bảo an ninh chuỗi bán lẻ xăng dầu, và đồng thời phải tính toán lại công tác tổ chức dự trữ xăng dầu quốc gia vì đây là mặt hàng có tính chiến lược quan trọng.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng thông tin đến thời điểm hiện tại kết quả giải ngân vốn đầu tư công của TP mới đạt 31%. Chủ tịch UBND TP yêu cầu từng sở, chủ đầu tư, quận, huyện phải rà soát lại xem còn vướng chỗ nào để tháo gỡ.

"Khi các nguồn vốn khác bị tắc thì vốn đầu tư công rất có ý nghĩa. Chúng ta cần quan tâm, quyết liệt hơn trong vấn đề này"-  Chủ tịch  Phan Văn Mãi yêu cầu tập trung quyết liệt các giải pháp để giải ngân đầu tư công đạt kết quả cao nhất.

Theo báo cáo của Sở KH&ĐT TP.HCM trước đó, 10 tháng năm nay TP đã thực hiện giải ngân vốn đầu tư công được hơn 23.200 tỉ đồng, đạt 53% so với kế hoạch năm và tăng 56,4% so với cùng kỳ.

Riêng tháng 10, đã giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 3.552 tỉ đồng, tăng 13,9% so với tháng trước, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ.

Dự kiến với tình hình giải ngân vốn đầu tư công như hiện nay, đến cuối năm 2022, TP.HCM sẽ hoàn thành trên 90% kế hoạch vốn thực hiện giải ngân đầu tư công trên địa bàn.

Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng nêu kiến nghị liên quan đến một số dự án cụ thể:

UBND TP.HCM kiến nghị các bộ, ngành hướng dẫn, xử lý theo thẩm quyền các vướng mắc khó khăn tại dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) và dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn (CRUS2).

Với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, TPHCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH-ĐT tham mưu giao bổ sung gần 19.500 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho TPHCM (ngoài nguồn vốn 142.557 tỷ đồng đã giao) để bổ sung cho dự án.

Với dự án đầu tư xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa, kết nối nhà ga T3, kiến nghị Bộ Quốc phòng sớm bàn giao đất quốc phòng cho TPHCM thực hiện dự án. Trong đó, xem xét bàn giao ngay phần diện tích khoảng 4,5ha đất trống không có tài sản trên đất cho Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam. 

Đối với dự án Xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, TP.HCM kiến nghị Bộ KH-ĐT cùng các bộ ngành quan tâm sớm thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án trong tháng 12/2022.

TP.HCM tiếp tục kiến nghị Thủ tướng xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương (nguồn vốn trong nước) giai đoạn 2021-2025 để đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế chuyên môn của 3 bệnh viện cửa ngõ: Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi với tổng nhu cầu là 4.500 tỉ đồng.

Bình luận