Thực hiện Nghị quyết cơ chế đặc thù: TPHCM cân nhắc việc tăng thuế, phí

(VOH) - “Đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cân nhắc việc tăng thuế, phí” – Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại cuộc họp với các sở, ngành, quận, huyện bàn cách triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp.

 

Triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế đặc thù phát triển thành phố, UBND TP hiện đang xây dựng đề án tổng thể, dự kiến đến tháng 4/2018 trình Thường trực Thành ủy thông qua và tháng 6/2018 sẽ trình HĐND thành phố. 

Tại buổi họp, các chuyên gia cho biết sẵn sàng cống hiến trí tuệ để góp phần hoàn thiện đề án. Chuyên gia Trần Du Lịch cho rằng, thời gian tới TPHCM sẽ đối diện với rất nhiều thách thức.

Trong đó, có hai vấn đề mà ông lưu ý: đó là tính tự chủ ngân sách địa phương và cải cách hành chính. Ông Trần Du Lịch phân tích, với việc tăng thuế, phí, TP.HCM cần nghiên cứu kỹ tác động của nó. Nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên rượu, bia, thuốc lá, xăng dầu, ôtô, thuế cao sẽ đưa đến tình trạng doanh nghiệp nhập ôtô về tỉnh thành khác.

Ông Vũ Thành Tự Anh - Đại học Fulbright cũng đề nghị cần cân nhắc khi thực hiện các đề án tăng thuế. Quan trọng nhất là tạo ra luồng sinh khí mới cho nền kinh tế địa phương, tăng ngân sách cho cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, ông Anh lưu ý không được quên giá trị gia tăng lớn nhất của TP đến từ doanh nghiệp, doanh nghiệp chính là động cơ tăng trưởng. Nếu thực hiện không khéo, TP lại đẩy mặt bằng chi phí lên cao, nền kinh tế không duy trì được sức sống thì sẽ tạo ra hiệu ứng ngược.

TPHCM phải tăng ngân sách cho cơ sở hạ tầng, trong đó đầu tư cho công tác chống ngập nước. Nhiều vùng trũng thấp tại TP thường ngập nước sau mưa lớn. Ảnh minh họa: T.H

Theo góc nhìn của PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, thách thức của TPHCM là kẹt xe và ngập nước. Do đó, đề án của cơ chế đặc thù cần hướng đến việc giải quyết những vấn đề này.

"Trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay, quan tâm tới tái cơ cấu lại ngân sách,  tập trung ưu tiên cho những ngành, lĩnh vực giữ vai trò đóng góp vào ngân sách một cách quan trọng. Do đó, tôi nghĩ rằng TPHCM là đơn vị có đóng góp cho ngân sách Nhà nước của quốc gia, phải tiếp tục đầu tư nhiều hơn về cơ sở hạ tầng của TPHCM trong thời gian tới”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân đóng góp.

Lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong ghi nhận và cho biết, các đề án triển khai sẽ chia nhỏ và giao về các sở thực hiện, người đứng đầu chịu trách nhiệm. 

"Các sở ngành tập trung xây dựng kế hoạch kết luận 21 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Năm 2018 có ý nghĩa hết sức đặc biệt, năm mà Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 về việc thực hiện cơ chế chính sách đặc thù để TPHCM phát triển. Và từ đây, có những nội dung nào phải triển khai trong năm 2018, 2019, 2020. Trên tinh thần đó, đề nghị các ngành hết sức nỗ lực và cùng phối hợp để triển khai hiệu quả nghị quyết của Thành ủy về lãnh đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết 54 của quốc hội”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị. 

Bình luận