Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 4 ước đạt gần 95.000 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt hơn 377.000 tỷ đồng, tăng trên 12%. Chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố 4 tháng đầu năm ước tăng gần 6,6%, đạt mức tăng cao hơn so với cùng kỳ.
Giám đốc Sở Công thương TP - Phạm Thành Kiên đánh giá việc tăng như vậy thể hiện tăng trưởng ổn định và tăng trưởng khá. Chủ yếu một số ngành thuộc nhóm ngành chế biến chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong mức tăng chung của toàn ngành. Trong đó 4 ngành trọng yếu tăng 7,02%. Cùng kỳ tăng 7,29%. 4 ngành trọng yếu có tăng nhưng không đạt như năm 2018.
Toàn cảnh hội nghị.
Hiện tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố 4 tháng đầu năm ước đạt gần 13 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 11% so với cùng kỳ. Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch ước đạt gần 12 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 12%. Thị truờng xuất khẩu một số nước tăng nhanh như: Philippines tăng gần 95%; Đài Loan tăng hơn 84%; Mỹ tăng hơn 18%… riêng thị trường Đức, Úc, Indonesia,… xuất khẩu chậm. Mặt hàng xuất khẩu của một số mặt hàng được duy trì và có mức tăng như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng hơn 49%; thủy sản tăng gần 19%; rau quả tăng hơn 34%;...
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn 4 tháng ước đạt trên 15 tỷ đô la Mỹ, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là trang thiết bị, nguyên vật liệu cho sản xuất máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng hơn 22%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng gần 19%; hóa chất tăng hơn 17%; sắt thép các loại tăng hơn 29%;…
Dịch tả heo châu Phi đã lây lan đến tỉnh Đồng Nai, nơi kề cận TP.HCM, để chuẩn bị nguồn hàng an toàn, đảm bảo bình ổn thị trường, Giám đốc Sở Công thương TP - Phạm Thành Kiên cho biết, tuần qua, Sở đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp phân phối thịt heo, gia cầm, đảm bảo cung ứng ra thị trường TP mỗi ngày 147 tấn thịt heo và 400 tấn thịt gà. Thịt heo vào TP phải rõ nguồn gốc, trường hợp nguồn thịt không đủ thì nhập các nước lân cận.
Về việc điều chỉnh tăng giá, cũng theo ông Kiên, từ đầu năm đến nay, giá xăng điều chỉnh tăng 5 lần, tuy nhiên qua khảo sát từ các doanh nghiệp cho thấy, tác động không nhiều do xăng dầu chỉ chiếm 1% trong cơ cấu sản xuất.
Riêng về giá điện tăng, ông Phạm Thành Kiên thông tin thêm, giá điện cũng vậy, qua đợt tăng như vậy, Sở cũng làm việc với một số doanh nghiệp. Đặc biệt là hội cơ khí, các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm điện nhiều, đa số doanh nghiệp cũng cho biết điều chỉnh tăng giá điện có phần ảnh hưởng đến thu nhập doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các hợp đồng đã được ký từ đầu năm. Nhưng doanh nghiệp cơ khí cũng cho biết giá điện cũng chưa ảnh hưởng nhiều, hiện họ đang phối hợp với các công ty điện lực để thay đổi và giảm tải các vật liệu điện mà khả năng sử dụng điện cao để tiết kiệm chi phí điện trong sản xuất”.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong (giữa) chủ trì cuộc họp.
Liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP thông tin, 4 tháng đầu năm nay, số lượng cấp giấy chứng nhận cho tổ chức đạt 94%. Dự báo nguồn thu từ cấp giấy chứng nhận cho tổ chức sẽ giảm do hiện nay chủ yếu thông qua các hình thức mua bán, góp vốn, cấp đổi, cấp lại. Còn khi cấp đổi, cấp lại, mua bán, chủ yếu chỉ thu được thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế trước bạ… Về dự án đốt rác phát điện, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết thêm, hiện giá chốt của một dự án đốt rác phát điện là hơn 524.424 đồng/tấn để làm cơ sở đấu thầu.
“Giá mua điện của Bộ Công thương có hai giá chốt, nếu đốt rác, giá ngành điện thu vào khoảng 2.114 đồng giá đốt. Còn nếu thu khí thì khoảng 1.532 đồng. Đây là cơ sở để bổ sung vào nội dung đấu thầu. Sở cũng đã chuẩn bị quỹ đất để đấu thầu, mỗi quỹ đất là 3,6 hecta”, ông Nguyễn Toàn Thắng nói.
Mặc dù đã mở 2 đợt tư vấn đấu thầu, song đều không lựa chọn được tư vấn đầu tư do không có đơn vị nào tham gia, hiện Sở đang xây dựng lại đề án dựa trên tiêu chí để lựa chọn tư vấn chứ không dựa vào mức giá.
Đề cập đến cải cách hành chính, mà đặc biệt là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, trước nay, khâu đền bù để triển khai dự án là khâu khó khăn nhất, theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, TP đã tìm ra những đột phá, như quy trình rút ngắn thời gian dự án để bàn giao cho chủ đầu tư, cụ thể đã rút ngắn còn 420 ngày, nhưng nếu làm tốt hơn nữa chỉ tốn hơn 100 ngày. Ông Tuyến gợi ý, như việc đưa giá đất thẩm định lên trước, sau đó công khai người dân và người dân đồng thuận thì giải quyết ngay. Những trường hợp không đồng thuận thì áp dụng giá theo quy định, như vậy sẽ rút ngắn thời gian.
“Quận huyện, sở ngành, ngay cả TP phải tìm ra mấu chốt đột phá để giải quyết vấn đề tắc nghẽn của TP”, ông Trần Vĩnh Tuyến đề nghị.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến phát biểu.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu giám sát 3 chỉ số cải cách hành chính. “Trọng tâm của chỉ đạo là cố gắng tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính đối với đơn vị, lĩnh vực mình, xem đây như là nỗ lực kết quả trong thực hiện nhiệm vụ năm 2019. Các đồng chí đánh giá lại kết quả, hiệu quả công việc trong quý 1 như thế nào, vấn đề nào cần tập trung chỉ đạo trong quý 2 này”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu.