TPHCM: 2 tháng đầu năm, nhiều khoản thu một số lĩnh vực sụt giảm

(VOH) – Sáng 18/2/2020, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì kỳ họp về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội tháng 1/2020.

Do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết, tác động của tình hình dịch bệnh, cùng với một số chính sách liên quan đến mặt hàng tiêu thụ đặc biệt như rượu, bia… Do đó, trong 2 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng của một số ngành trên địa bàn TP.HCM giảm đáng kể như: ngành công nghiệp, lương thực thực phẩm, hóa nhựa, cơ khí. Cùng với đó, một số khoản thu cũng giảm theo…

Kỳ họp về tình hình kinh tế, văn  hóa, xã hội tháng 1/2020 sáng 18/2

Kỳ họp về tình hình kinh tế, văn  hóa, xã hội tháng 1/2020 sáng 18/2

Do sức mua thị trường bước vào mùa cao điểm Tết Canh Tý 2020, các doanh nghiệp đã chủ động nguồn lực để sản xuất, phân phối hàng hóa để phục vụ Tết. Theo đánh giá của Sở Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt gần 113.000 tỷ đồng, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng hơn 11% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp ước đạt gần 4 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch ước đạt 3,7 tỷ đô la Mỹ, tăng 12% so với cùng kỳ. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, gạo, hàng rau quả, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng hơn 4%.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn thành phố ước đạt 4,5 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Trong đó, các mặt hàng chủ yếu là trang thiết bị phục vụ cho sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính, xăng dầu các loại, điện thoại, hàng điện gia dụng, sản phẩm hóa chất…  Nhìn lại tốc độ tăng trưởng của từng ngành trong tháng 1 vừa qua, ngành công nghiệp giảm đến gần 4%, ngành lương thực thực phẩm giảm 2,8%; hóa nhựa giảm 0,9%, cơ khí giảm hơn 7%, chỉ có điện tử là tăng 2,8%.

Ở lĩnh vực du lịch, trong tháng 1, tổng lượng khách quốc tế đến thành phố ước đạt hơn 840 ngàn lượt khách, tăng gần 6% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt hơn 13.000 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cùng kỳ…

Lý giải về việc giảm các chỉ số công nghiệp, ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết tháng 1/2020 các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng để dự trữ lượng hàng và tạo đà tiếp theo, hầu hết là thời gian sản xuất chính thức của các doanh nghiệp sản xuất trong tháng 1 chỉ có 18 ngày, còn lại là tết. Do vậy chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 1 giảm. Trong đó, ngành lương thực thực phẩm trong tháng 12 đã tăng sản xuất 20%, qua tháng 1 giảm để chuẩn bị phục vụ tết.

Theo bà Phạm Thị Hồng Hà - Giám đốc Sở Tài chính TPHCM, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong nước, hoạt động chuyển nhượng bất động sản – vốn của cá nhân có sụt giảm, điều này tác động đến tình hình kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, do đó nhìn chung, các khoản thu giảm hoặc có mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ. Cụ thể, thuế thu nhập doanh nghiệp 2 tháng đầu năm tăng 1,25% so với cùng kỳ và là loại thu có tốc độ tăng cao nhất trong 3 loại thu chính. Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Về thuế giá trị gia tăng giảm 1,46% so với cùng kỳ. Trong đó, thuế giá trị gia tăng khu vực đầu tư nước ngoài tăng cao nhất là 0,52%, các khu vực còn lại đều giảm so với cùng kỳ bao gồm: khu vực doanh nghiệp nhà nước trung ương giảm gần 11%, khu vực nhà nước địa phương giảm gần 6%, khu vực ngoài quốc doanh giảm hơn 3% so với cùng kỳ.

Theo bà Hà thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm hơn 6% so với cùng kỳ, chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng như bia, thuốc lá, ô tô mà số thu của các ngành này chiếm đến gần 92% trong tổng số thuế tiêu thụ đặc biệt trong tháng đầu năm 2020. Về thuế thu nhập cá nhân, tăng gần 8% so với cùng kỳ, tuy nhiên đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây do sụt giảm của hoạt động bất động sản và đầu tư vốn của cá nhân.

Trước những diễn biến khó lường của tác động bên ngoài ảnh hưởng đến tình hình kinh tế thành phố, tại kỳ họp, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở ngành rà soát lại các chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực, thúc đẩy, hỗ trợ từng ngành hàng, lĩnh vực. Ông kiến nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi về thuế đối với ngành du lịch và các doanh nghiệp nhỏ lẻ trong bối cảnh ngành này chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp thành phố tận dụng, đón đầu cơ hội khi Nghị viện châu Âu vừa phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). “Chúng ta chuẩn bị cơ hội để nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố. Đây là cơ hội để đẩy mạnh giao lưu hàng hóa, doanh nghiệp và qua nhiều lần tiếp xúc với đại sứ và các doanh nghiệp EU, họ cũng mong muốn phía VIệt Nam thúc đẩy mối quan hệ hợp tác này”, ông Phong nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị Sở Công thương hỗ trợ thành lập hội đồng ngành gồm: công nghệ thông tin, cơ khí, lương thực thực phẩm, trong đó có vai trò nhà nước, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp để đối thoại, tháo gỡ theo từng lĩnh vực.

Cập nhật dịch Covid-19 ngày 18/2/2020: Thêm 93 ca tử vong, toàn thế giới hơn 73.300 ca nhiễm - (VOH) – Tính đến sáng 18/2, số ca chết vì virus corona ở Trung Quốc đại lục đã vượt ngưỡng 1.800 ca, riêng tại Hồ Bắc có thêm 93 ca tử vong trong ngày 17/2.

 

Bình luận