TPHCM đã chi gần 10.000 tỷ đồng cho gần 8,5 triệu đối tượng sau 3 đợt hỗ trợ

(VOH) - Chiều ngày 7/12, kỳ họp thứ 4 HĐND Thành phố khóa 10 tiếp tục với phiên thảo luận.

Tại phiên này, một số đại biểu HĐND đề nghị thông tin rõ hơn về gói hỗ trợ an sinh cho các hộ dân gặp khó khăn trong thời gian qua. Ngoài ra, vấn đề y tế cơ sở, việc cho học sinh của một số khối đi học trở lại cũng nhận được sự quan tâm của các đại biểu.

Ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động Tiền lương - Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, triển khai nghị quyết 09, trong vòng 24 tháng, Thành phố đã triển khai 3 đợt hỗ trợ người dân gặp khó khăn.

Qua 3 đợt, chưa tính gói hỗ trợ của Trung ương, chỉ tính gói hỗ trợ từ ngân sách của Thành phố, TPHCM đã chi cho gần 8,5 triệu đối tượng với gần 10.000 tỷ đồng. Sở cũng đã đi kiểm tra, HĐND Thành phố cũng đi giám sát, đánh giá lại việc chi hỗ trợ này.

Ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động Tiền lương
Ông Nguyễn Bảo Cường - Trưởng phòng Lao động Tiền lương, Sở Lao động Thương binh và Xã hội thông tin rõ hơn về việc triển khai 3 đợt hỗ trợ.

Hiện nay, hai gói hỗ trợ đợt 1 và 2 cơ bản giải quyết xong. Riêng gói hỗ trợ đợt 3 Thành phố đã giải quyết cho hơn 6,2 triệu người với hơn 6.000 tỷ đồng, còn 1 triệu người chưa tiếp cận được gói hỗ trợ này do Thành phố đang tính toán, bố trí lại ngân sách.

“Tác động của đại dịch ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của người dân, đặc biệt là việc làm. UBND Thành phố chỉ đạo Sở rà soát, qua đó có khoảng 58.000 hộ nghèo, cận nghèo, gần đây con số này tăng 4.800 hộ. Sở đã tập trung hỗ trợ bảo hiểm y tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, trong đó, tập trung cho vay để giải quyết sinh kế cho các hộ khó khăn” - ông Nguyễn Bảo Cường cho hay.

Đối với việc trở lại trường của học sinh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM Nguyễn Văn Hiếu thông tin, khối 1, 9, và 12 ưu tiên cho trở lại trường do thi cử, cuối năm, cuối cấp. Trước đó, Sở cũng đã phối hợp thí điểm 6 tuần ở huyện Cần Giờ.

Tất cả các lớp chuẩn bị đi học lại đều được tổ chức lấy ý kiến khảo sát nhiều lần. Trung học cơ sở lớp 9 và lớp 12, tỉ lệ phụ huynh học sinh đồng thuận khá cao, tuy nhiên ở lớp 1, tỉ lệ phụ huynh đồng ý cho con đi học trở lại khá thấp, chỉ đạt gần 30%.

“Để đảm bảo an toàn thì cơ sở vật chất là quan trọng. Phòng học theo hướng dẫn của Sở Y tế phải thông thoáng, đủ điều kiện, chúng tôi đã phối hợp với cơ sở giáo dục, từ cả ngàn cơ sở giáo dục trưng dụng làm cơ sở chống dịch. Hiện nay, chỉ còn 124 cơ sở giáo dục đang sử dụng trong phòng chống dịch, còn các cơ sở giáo dục khác đã được sửa chữa hoàn chỉnh và sẵn sàng cho mục đích dạy học cho thời gian sắp tới.

Tất cả các trường, không phải tất cả 100% học sinh lớp 9, lớp 12 đi học lại, mà chỉ có những trường đủ điều kiện về cơ sở vật chất, có kế hoạch dạy học trực tiếp được phê duyệt sẽ tổ chức cho học sinh lớp 9 hoặc lớp 12 đi học” - ông Nguyễn Văn Hiếu thông tin.

Nguyễn Văn Hiếu
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM - Nguyễn Văn Hiếu, thông tin về việc trở lại trường của học sinh.

Đối với các cơ sở y tế, Giám đốc Sở Y tế TPHCM – Tăng Chí Thượng cho hay, trong hơn 3 năm giao tự chủ, gần như tất cả bệnh viện công lập của Thành phố đều tự chủ tài chính toàn phần với 46 bệnh viện Thành phố, quận, huyện.

Thời điểm dịch chưa bùng phát, một số quận huyện vốn khó khăn do tự chủ tài chính, dịch đến lại càng khó khăn hơn và lan sang các bệnh viện khác. Theo ông, nguồn thu của các bệnh viện này chắc chắn sẽ rất khó khăn, không đủ kinh phí để hỗ trợ, động viên anh em.

“Khả năng tự chủ của các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa dù sao cũng ổn định hơn nhưng đa khoa khó khăn là vì tất cả bệnh lý gì vào bệnh viện đa khoa đều phải điều trị. Còn chuyên khoa sản, mắt ổn định hơn.

Chúng tôi rất mong đánh giá lại nghị định, chuẩn bị lại ngân sách, chắc chắn số tự chủ này sẽ giảm đi” - ông Tăng Chí Thượng nêu vấn đề và đề xuất.