TPHCM đẩy mạnh các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông bền vững

(VOH) - “TPHCM đẩy mạnh các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông bền vững” là chủ đề chương trình phát thanh trực tiếp “Đối thoại cùng chính quyền Thành phố”.

Chương trình do Hội đồng Nhân dân Thành phố phối hợp với Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) thực hiện, diễn ra sáng 29/8.

Các đại biểu tham dự chương trình nhìn nhận, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến rất tích cực, nhưng các giải pháp cần đẩy mạnh và đồng bộ hơn, khắc phục các bất cập về hạ tầng giao thông, xử lý nghiêm vi phạm, đến đổi mới, sáng tạo trong việc tuyên truyền, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ…

Chương trình đối thoại cùng chính quyền Thành phố vào sáng 29/08/2020. Ảnh: Khiêm Huân 

Tính từ đầu năm đến nay, thành phố đã xảy ra 1.935 vụ tai nạn giao thông, bao gồm va chạm giao thông, làm chết 343 người, làm bị thương 1.372 người. So với cùng kỳ năm ngoái, số tai nạn giao thông đã giảm 328 vụ, số người chết giảm 69 người và số bị thương cũng giảm 217 người. Những con số này cho thấy, các giải pháp nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông mà chúng ta đã và đang triển khai đã phát huy được hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn Giao thông thành phố, phức tạp nhất về an toàn giao thông trên địa bàn là tại các khu vực 8 quận huyện cửa ngõ, nếu tập trung kéo giảm được các khu vực này thì tình hình tai nạn sẽ được cải thiện rất nhiều. Năm 2020, chủ đề an toàn giao thông của năm là Đã uống rượu bia - không lái xe. Việc đẩy mạnh xử phạt các hành vi vi phạm theo Nghị định 100 cũng đã tạo nên hiệu ứng khá tích cực, chuyển biến rất rõ.

Tuy nhận định tai nạn giao thông được kéo giảm sâu, nhưng nhìn chung, các đại biểu đánh giá tình hình trật tự an toàn giao thông còn nhiều phức tạp, và là hệ quả của nhiều nguyên nhân. Trong những nguyên nhân được chỉ ra, không thể không nhắc đến những bất cập về hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông. Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý và khai thác hạ tầng giao thông, Sở Giao thông vận tải cho biết về các giải pháp khắc phục mà đơn vị đã triển khai: "Qua công tác quản lý địa bàn của các đơn vị thuộc sở, qua phản ánh của cử tri, cũng như qua phản ánh của báo đài, rồi từ các ứng dụng của Sở giao thông đang quản lý, chúng tôi xử lý ngay những bất cập về hạ tầng giao thông, như tổ chức giao thông, thiếu biển báo, phân luồng chưa hợp lý, hay các sự cố ổ gà, lún sụt mặt đường là khắc phục ngay. Đối với các khu vực trọng điểm như sân bay, cảng Cát Lái, thành phố cũng lập tổ phản ứng nhanh giải quyết ngay các sự cố về an toàn giao thông".

Qua chương trình, một số cử tri cũng phản ánh về tình trạng mất trật tự lòng lề đường, họp chợ tự phát vẫn còn, gây mất trật tự an toàn giao thông, như trên tuyến đường Trần Văn Giàu quận Bình Tân, khu công nghiệp Tân Tạo, rồi tình trạng kẹt xe thường xuyên trên đường Lê Văn Việt (Quận 9), ngay giao lộ đình Phong Phú, cần tăng cường lực lượng điều tiết giao thông... Cử tri Nguyễn Thị Thanh Thảo, Quận 8 đặt vấn đề cần duy trì việc xử phạt nghiêm một cách liên tục, chứ không chỉ các đợt cao điểm: "Tôi nhận thấy từ đầu năm đến giờ có nhiều đợt cao điểm ra quân xử phạt. Có chuyển biến, nhưng sau các đợt cao điểm dường như đâu lại vào đấy. Liệu có nên duy trì động thái quyết liệt xử lý các hành vi vi phạm mọi lúc mọi nơi, chứ không chỉ tập trung các đợt cao điểm".

Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn Giao thông thành phố phản hồi: "Đúng là trong quá trình vừa qua, việc xử phạt các hành vi vi phạm giao thông có chuyển biến, nhưng chưa thể xử lý dứt khoát hết. Lực lượng tuần tra kiểm soát cũng không thể đi hết trên tất cả các tuyến, mà phải xử lý bằng hình thức khác. Thành phố đã và đang triển khai xử lý qua camera, tức là áp dụng công nghệ thông tin, từng bước sẽ triển khai thực hiện. Qua đó, cũng từng bước nâng cao ý thức của người tham gia giao thông".

Về hình thức phạt nguội qua hình ảnh, Trung tá Đoàn Văn Quới thông tin, trong 8 tháng từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận hơn 59.000 trường hợp vi phạm, đã thực hiện xử phạt gần 18.000 trường hợp, chiếm tỷ lệ gần 30%.

"Qua việc xử phạt vi phạm hình ảnh, cũng góp phần làm giảm áp lực đáng kể đối với lực lượng trực tiếp làm công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính, cũng như giảm thiểu xảy ra các vụ việc không chấp hành việc kiểm tra kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông. Qua đó đồng thời nâng cao ý thức người điều khiển phương tiện chấp hành pháp luật giao thông. Việc thông báo vi phạm hình ảnh được tiến hành song song với việc gửi thông báo đến các cơ quan đăng kiểm, và các tỉnh thành. Đây là chế tài nhằm cưỡng chế tác động mạnh đến đội ngũ tài xế, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố trong thời gian tới", Trung tá Đoàn Văn Quới thông tin thêm.

Ông Ngô Hải Đường, đại diện Sở Giao thông Vận tải cũng thông tin liên quan việc xây dựng Đề án thí điểm về ứng dụng khoa học công nghệ để xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ. Cùng với đó, việc tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ và công nghệ thông tin trong hoạt động xây dựng, quản lý khai thác, điều hành giao thông đô thị cũng là một trong những giải pháp trọng tâm mà thành phố đã và sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Ngọc Tường nhấn mạnh, để nâng cao hơn nữa ý thức, văn hóa giao thông, việc tuyên truyền và xử phạt, cưỡng chế phải đồng bộ, mới mang lại hiệu quả cao nhất. Các hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm, có tính răn đe cao. Về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông cũng cần được đổi mới, thực chất hơn: "Về công tác tuyên truyền, phải đi sâu vào đúng đối tượng, không nói chung chung nữa. Tập trung những đối tượng trực tiếp tham gia giao thông. Nội dung phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thức hiện. Hình thức phải đa dạng và phong phú hơn. Trực quan bằng các pano, áp phích, hay màn hình led, phải rõ ràng, dễ đọc, dễ thấy".

Đánh giá cao sự chủ động của các sở ngành, đơn vị trong việc thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kéo giảm sâu tai nạn giao thông như thời gian qua, ông Lê Minh Đức, Phó Trưởng Ban Pháp chế, HĐND thành phố đề nghị các sở ngành cần triển khai các giải pháp một cách đồng bộ quyết liệt hơn. Có sự chủ động phối hợp giữa các đơn vị, sở ngành, báo đài để tăng cường tuyên truyền về an toàn giao thông. Tổ chức giao thông hợp lý, tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, đặc biệt là tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Ông Lê Minh Đức nói: "Chúng ta đang xây dựng thành phố thông minh, nên việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong việc điều hành, xử lý giao thông là cần thiết. Tôi hoan nghênh những giải pháp của ngành giao thông vận tải, cần tiếp tục phát huy tiến độ các dự án công trình, làm sao sớm đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý giao thông".

Hoàng Lĩnh

Bình luận