UBND TPHCM vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan về triển khai kế hoạch tăng cường phối hợp kiểm soát ô nhiễm kênh Ba Bò và tuyến kênh thoát nước lưu vực suối Nhum - suối Xuân Trường - suối Cái giai đoạn 2022-2025.
Bên cạnh việc yêu cầu các sở ban ngành TP tiếp tục rà soát nguồn thải ra lưu vực kênh Ba Bò và tuyến thoát nước suối Nhum - suối Xuân Trường - suối Cái; có lộ trình xử lý dứt điểm các cơ sở vi phạm về xả nước thải, đảm bảo nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả thải..., UBND TP giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM phối hợp với các đơn vị liên quan mời gọi đầu tư xây dựng các trạm, nhà máy xử lý nước thải nhằm thu gom và xử lý toàn bộ nước thải đô thị khu vực TP Thủ Đức (khu vực II, III).
Cụ thể, 3 dự án nhà máy xử lý nước thải này là Bắc Sài Gòn 1 công suất 170.000 m³/ngày, trạm xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 2 công suất 130.000 m³/ngày, trạm xử lý nước thải rạch Suối Nhum công suất 65.000 m³/ngày.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, Thành phố hiện có 3 nhà máy xử lý nước thải đô thị gồm: Bình Hưng (công suất 141.000 m³/ngày), Bình Hưng Hòa (30.000 m³/ngày) và Tham Lương - Bến Cát (15.000 m³/ngày) cùng một số trạm xử lý nước thải phân tán của khu dân cư.
Với các nhà máy này, tổng lượng nước thải qua xử lý hiện nay chỉ chiếm 12,6%. Trong khi đó, lượng nước thải đô thị phát sinh của TPHCM là khoảng 1,54 triệu m3/ngày.
Trong những năm gần đây, lượng nước thải đổ ra môi trường liên tục tăng. Từ năm 2018 đến 2021, mỗi năm ước tính tỷ lệ nước thải bình quân tăng khoảng 6,7%.
Nếu 3 nhà máy, trạm xử lý nước thải trên được xây dựng, dự kiến có khoảng 80% tổng lượng nước thải của thành phố - tương đương gần 2,6 triệu m³/ngày sẽ được thu gom và xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.