Chờ...

TPHCM: Đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành du lịch

VOH - Chiều 17/7, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp Sở Du lịch Thành phố tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp ngành du lịch và chính quyền Thành phố.

Hội nghị thu hút hơn 250 đại diện của các doanh nghiệp đăng ký, tiếp nhận và giải đáp hơn 30 câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề về quy hoạch tổng thể phát triển khách sạn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Những ưu đãi về thuế, chính sách hỗ trợ vay vốn lưu động dành cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch; ổn định giá dịch vụ du lịch; những chủ trương, cơ chế, mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm…

toan-canh-hoi-nghi_20240717224314
Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: Huệ Như

Hiện nay,  thành phố có hơn 2.320 cơ sở lưu trú, trong đó có khoảng 20 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao và khoảng 120 khách sạn từ 3 sao trở lên. Những cơ sở sở lưu trú này đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành khách sạn để đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng Phòng Quy hoạch, phát triển tài nguyên du lịch - Sở Du lịch thông tin thêm: Sở đang tập trung triển khai đề án phát triển du lịch thông minh, trong đó có nhiều nội dung chuyển đổi số.

Chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước, tất cả các thủ tục hành chính đã được thực hiện với mức độ 4.

Triển khai các phần mềm quản lý,vận hành tại Sở, hướng đến quản lý hoàn toàn trên phần mềm, triển khai việc chuyển đổi số trong công tác quảng bá du lịch, ứng dụng 3D - 360o

trong quảng bá du lịch TPHCM. Sở Du lịch cũng đang tiến hành hoàn thiện app quảng bá du lịch thành phố với nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Về chính sách ưu đãi thuế đối với các công ty du lịch lữ hành, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 43/2024/TT-BTC về mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong đó giảm 50% phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa.

Đối với những ưu đãi về thuế để hỗ trợ ngành du lịch, có Nghị quyết 110/2023/QH15 giảm thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/1/2024 đến ngày 30/6/2024.

Theo Nghị quyết 43/2022/QH15, một số hàng hóa, dịch vụ được giảm 2% thuế giá trị gia tăng, giảm 2% thuế giá trị gia tăng, áp dụng với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%).

Như vậy, từ ngày 1/7/2024, thì thuế VAT của các doanh nghiệp sẽ quay trở về mức ban đầu.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết: Định hướng xuyên suốt của Du lịch Việt Nam đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 82 là: sản phẩm đặc sắc, dịch vụ chuyên nghiệp, thủ tục đơn giản, thuận tiện, giá cả cạnh tranh, môi trường vệ sinh sạch đẹp, điểm đến an toàn, văn mình và thân thiện.

Thủ tướng chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị 08, phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững trong thời gian tới, với phương châm liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác sâu rộng, bao trùm toàn diện, hiệu quả, bền vững.

ong-dao-minh-chanh-pho-giam-doc-trung-tam-xuc-tien-thuong-mai-va-dau-tu-thanh-pho-ho-chi-minh-itpc-chia-se_20240717224319
Ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Huệ Như

Ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) nhấn mạnh, đây là Hội nghị lần thứ 247 của Hệ thống Đối thoại doanh nghiệp - Chính quyền thành phố, nhằm đồng hành, tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển; góp phần thực hiện chủ đề năm 2024 của thành phố là “quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, và Nghị quyết 98/2023/QH15. 

Hiện ngành du lịch xác định 4 nhóm sản phẩm chính đang có nguồn thu lớn là: văn hoá lịch sử, hội nghị hội thảo triển lãm, du lịch kết hợp ẩm thực, du lịch kết hợp mua sắm.

Ngành du lịch thành phố cũng xác định các sản phẩm tiềm năng lợi thế của Thành phố là: du lịch đường thuỷ, du lịch không ngủ gắn với vui chơi giải trí và kinh tế đêm.