Qua kiểm tra và thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07)n- Công an TPHCM, đối với các cơ sở là nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên địa bàn TP trong năm 2021, có khoảng 50% không đảm bảo 2 lối thoát nạn, gần 30% số cơ sở không trang bị đầy đủ bình chữa cháy theo quy định.
Chiều 20/01, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07) - Công an TPHCM tổ chức hội nghị trao chứng nhận đơn vị điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCCC năm 2021.
Đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh
Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07) cho biết trong năm 2021, lực lượng Cảnh sát PCCC TPHCM đã tập trung thực hiện cao điểm về “Tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh” theo kế hoạch 151/KH-BCA-C07 ngày 12/4/2021 của Bộ Công an. Theo đó, công an 21 quận, huyện và Thành phố Thủ Đức đã tiến hành kiểm tra, tuyên truyền đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Qua kiểm tra 80.700/151.961 cơ sở là nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa thuộc Phụ lục IV, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Kết quả, số cơ sở đã có 2 lối thoát nạn là 77.533/153.137 cơ sở (tỉ lệ 50,63%); Số cơ sở đã có bình chữa cháy theo quy định là 109.851 cơ sở (tỉ lệ 71,73%); Số cơ sở đã trang bị phương tiện thoát nạn như: búa, rìu, thang dây…là 70.516 (tỉ lệ 46,05%). Kết thúc kiểm tra, lực lượng chức đã lập 80.700 biên bản và yêu cầu người đứng đầu cơ sở ký 92.927 cam kết bảo đảm an toàn PCCC.
Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng kiểm tra 1505/1993 khu dân cư. Kết thúc kiểm tra, lập 1505 biên bản và yêu cầu người đứng đầu khu dân cư ký 1505 cam kết bảo đảm an toàn PCCC, hướng dẫn khắc phục các tồn tại, thiếu sót tại khu dân cư với 379 lượt.
Tháng 12/2021, Đoàn Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã thí điểm ra mắt “Đội hình thanh niên phản ứng nhanh PCCC&CNCH” trên địa bàn quận 1. Mô hình được đưa vào hoạt động nhằm phát huy vai trò xung kích tình nguyện của lực lượng thanh niên địa phương trong công tác phòng chống cháy, nổ, cứu nạn cứu hộ.
Đội hình tập hợp những thanh niên sinh sống và làm việc tại các Phường trên địa bàn Quận 1 có sức khỏe tốt, tình nguyện tham gia với nhiệm vụ là tuyên truyền, nhắc nhở người dân nâng cao nhận thức, ý thức phòng ngừa cháy nổ bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, dễ nghe dễ hiểu.
Khi có sự cố cháy nổ tại địa bàn khẩn trương có mặt tại nơi xảy ra cháy tham gia xử lý giai đoạn ban đầu, hướng dẫn thoát hiểm và áp dụng các biện pháp cứu người, đồng thời gọi điện cho số 114 để báo lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.
Trao chứng nhận điển hình tiên tiến về PCCC cho 439 đơn vị, cơ sở
Năm 2021, lực lượng PCCC tại chỗ đã kịp thời xử lý 539/706 vụ (tỷ lệ 76,35%), đã giúp ngăn chặn, không để đám cháy phát triển lớn và cháy lan sang các khu vực xung quanh. Qua đó, đã góp phần vào việc kéo giảm các vụ cháy, nổ nghiêm trọng, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố.
Khi đám cháy mới xảy ra thường là cháy nhỏ, nếu được phát hiện kịp thời và có sẵn lực lượng, phương tiện tại chỗ thì việc dập tắt đám cháy nhanh và đơn giản; thế nhưng nếu không phát hiện sớm, chữa cháy kịp thời thì đám cháy sẽ phát triển nhanh và lớn. Việc tổ chức chữa cháy trở nên vô cùng khó khăn, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng, thậm chí có thể gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản.
Thực tiễn đã chứng minh, công tác PCCC có hiệu quả hay không phụ thuộc vào việc triển khai thực hiện phương châm 4 tại chỗ theo quy định của Luật phòng cháy và chữa cháy đó là “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư hậu cần tại chỗ”.
Vì vậy, để tổ chức hoạt động PCCC nhằm hướng tới mục đích ngăn ngừa tốt nhất các sự cố về cháy, nổ cũng như chủ động trong việc PCCC thì vai trò PCCC tại chỗ là quan trọng.
Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH – Công an TPHCM đã trao chứng nhận đơn vị điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân Phòng cháy và chữa cháy cho 177 đơn vị hành chính, 262 cơ sở đạt điển hình tiên tiến về PCCC năm 2021.
Trong năm 2021, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra 374 vụ việc liên quan đến cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ. Trong đó có 212 vụ cháy, nổ làm chết 26 người, 38 người bị thương, thiêu rụi khoảng 27.000 m² diện tích nhà xưởng, hàng trăm nhà dân cùng nhiều tài sản, máy móc thiết bị. Ước tính khoảng 6,2 tỷ đồng. Loại hình cháy nhiều nhất là nhà ở đơn lẻ, chiếm 88/210 vụ. Nguyên nhân gây cháy phổ biến nhất là do sự cố các hệ thống, thiết bị điện trong sinh hoạt, sản xuất, chiếm tỷ lệ đến 69,74%. |