Tổng chỉ tiêu của 108 trường THPT công lập của thành phố là 77.300, tỷ lệ trúng tuyển khoảng 80%. Gần 19.000 thí sinh trượt kỳ thi lớp 10 công lập có thể học tiếp tại các trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề.
Các trường có sự chuẩn bị khá chu đáo, nhất là về cơ sở vật chất như phòng thi, phòng lưu trữ đề thi, bài thi, phòng trực bảo vệ, bố trí nơi ăn nghĩ cho giáo viên coi thi, chuẩn bị các phương tiện phục vụ kỳ thi…
Thống kê số lượng học sinh dự thi, nắm chắc hoàn cảnh của từng học sinh, nhất là học sinh nghèo, khó khăn để có biện pháp giúp đỡ.
Tại điểm thi Trường THCS Võ Trường Toản (Quận 1), Bàn Cờ (Quận 3) ngay từ sáng sớm, phụ huynh và học sinh đã xuất hiện trên khắp các nẻo đường.
Hầu hết các phụ huynh đều đưa con đến điểm thi sớm hơn so với thời gian cần có mặt để tránh kẹt xe hoặc sự cố bất ngờ. Trên gương mặt của phụ huynh lẫn học sinh đều căng thẳng, lo lắng.
Nhiều phụ huynh nán lại để chờ con em tham gia kỳ thi. Khác với tâm lý của thí sinh, nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng, hồi hộp.
Tại các điểm thi, lực lượng công an, Cảnh sát giao thông, dân quân tự vệ... có mặt để điều tiết, đảm bảo an ninh trật tự tại điểm thi.
Buổi sáng, thí sinh sẽ làm bài thi môn Ngữ văn với thời gian 120 phút. Buổi chiều, thí sinh thi môn Ngoại ngữ với thời gian 90 phút.
Ngày mai, các thí sinh làm bài thi môn Toán (120 phút) buổi sáng là kết thúc kỳ thi nếu các em đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 thường.
Các em đăng ký nguyện vọng vào trường chuyên/tích hợp sẽ thi thêm môn chuyên/tích hợp trong chiều 7/6.
Điểm bài thi là tổng điểm thành phần từng câu hỏi trong đề thi, tính theo thang điểm 10, điểm lẻ đến 0,25. Điểm xét tuyển là tổng điểm 3 môn thi, tính theo hệ số một và điểm cộng ưu tiên.
Thí sinh trúng tuyển phải dự thi đủ ba bài và không có bài nào bị điểm 0.
Thành phố bố trí 158 điểm thi, trong đó có 147 điểm thi thường và 11 điểm thi chuyên. Hơn 12.300 cán bộ, giáo viên và 2.300 nhân viên, bảo vệ, công an được huy động coi thi và làm nhiệm vụ khác.