“TPHCM hướng đến xây dựng thành phố an toàn vì phụ nữ và trẻ em” - đây là mục tiêu một lần nữa được khẳng định tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện “Chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ giai đoạn 2011 – 2021” và sơ kết 4 năm thực hiện đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2017 – 2020 trên địa bàn TPHCM”, diễn ra vào chiều ngày 26/2.
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới TPHCM chủ trì hội nghị.
TPHCM hiện có gần 9 triệu người trong đó tỷ lệ nữ chiếm trên 51%.
Qua 10 năm thực hiện bình đẳng giới và 4 năm thực hiện đề án phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ cở giới trên địa bàn, thành phố đã đạt được những thành tựu nổi bật.
Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và bố trí nguồn kinh phí đảm bảo triển khai các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành, lĩnh vực hiệu quả; Thành phố đã xây dựng 7 mục tiêu và 26 chỉ tiêu, nhiều hơn 4 chỉ tiêu so với Chiến lược của Chính phủ. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban chấp hành Đảng bộ các cấp đạt từ 15% trở lên; tạo nhiều sân chơi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ và siêu nhỏ chủ yếu do phụ nữ làm chủ đóng góp cho sự phát triển kinh tế địa phương, giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Ngân sách thành phố luôn dành khoảng 2.000 tỷ đồng hằng năm cho công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học trên địa bàn, các chính sách về giáo dục cơ bản đáp ứng nhu cầu giới, quan tâm đến nhu cầu và sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái; Duy trì và phát triển phong trào xây dựng gia đình văn hóa…
Công tác truyền thông, nâng cao năng lực về bình đẳng giới được đa dạng hóa về hình thức, phong phú về nội dung đã giúp cho các giới, cộng đồng dân cư tham gia tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giới hiệu quả, có những hoạt động đã phủ sóng đến được các địa điểm, khu vực, các vùng sâu vùng xa của các huyện nhiều người dân biết và thực hiện tốt bình đẳng giới, xây dựng thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, việc triển khai bình đẳng giới thời gian qua vẫn còn một số thách thức.
Ông Trần Ngọc Sơn, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố, Phó trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới TPHCM nhìn nhận: "Việc lồng ghép giới trong lĩnh vực kinh tế - lao động còn bất cập, thiếu sự chỉ đạo thống nhất từ các bộ ngành vì vậy quá trình triển khai hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế - lao động còn manh mún, thông tin tách biệt về giới chưa được thống kê đầy đủ, chưa đánh giá được tính khả thi trong việc doanh nghiệp nam hay nữ tiếp cận cơ hội về vốn, chính sách ưu đãi của thành phố nên không phản ánh được tình hình tham gia và thụ hưởng các chế độ của lao động nam – nữ trong các ngành".
Để phát huy bình đẳng giới, hướng đến xây dựng thành phố an toàn vì phụ nữ và trẻ em, bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó trưởng phòng xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ TPHCM đề xuất: "Bình đẳng giới cần có sự chú trọng và được đặt trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của quốc gia, cần đảm bảo tỷ lệ nữ được tuyển dụng vào các cơ quan, đơn vị theo quy định; Chú trọng công tác xây dựng quy hoạch cán bộ nữ trong quy hoạch tổng thể về cán bộ theo tinh thần nghị quyết của Đại hội Đảng đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý và xây dựng quy hoạch các chức danh trên. Ở mỗi lĩnh vực, từ trung ương đến cơ sở nhất thiết phải có cán bộ nữ; Xây dựng quy hoạch cần phải gắn với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đề bạc cán bộ nữ".
Chỉ đạo tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh cần có ngân sách phục vụ cho bình đẳng giới: "Chúng ta phải có ngân sách để phục vụ cho công tác này trong 5 năm tới và trong năm 2021, các đồng chí mạnh dạn đề xuất để xem làm cái gì, làm như thế nào. Vấn đề này chúng ta phải tính toán kỹ lưỡng và đầy đủ".
Bên cạnh đó, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới thành phố cũng cần phải rà soát lại kết quả của 7 mục tiêu, 26 chỉ tiêu và chuyển đổi thành các công việc cụ thể; Có 1 địa chị để tiếp nhận các thông tin liên quan đến bình đẳng giới, bạo lực gia đình; Xây dựng mô hình "Vì sự tiến bộ phụ nữ - hành động của chúng ta" để mọi người tham gia và đưa tiêu chí này vào tiêu chí thi đua, ứng xử văn hóa bởi tất cả hoạt động bình đẳng giới không chỉ vì phụ nữ mà là vì sự phát triển chung của toàn xã hội.
Dịp này, UBND thành phố đã khen thưởng các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp tích cực vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới trên địa bàn TPHCM.