Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại Đà Nẵng, căn cứ các văn bản chỉ đạo của của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Y tế TPHCM đã phát hành văn bản yêu cầu tất cả các bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường các biện pháp kiểm soát lây nhiễm, tăng cường tầm soát và chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với đối với người bệnh và nhân viên y tế có biểu hiện nghi ngờ, kể cả trường hợp có tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng để phát hiện sớm ca bệnh, cách ly kịp thời.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM (Ảnh: SGGP)
Sở Y tế đề nghị tất cả các đơn vị tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, cụ thể như sau:
Tăng cường các biện pháp kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong các cơ sở khám chữa bệnh
- Đối với tất cả cơ sở khám, chữa bệnh: tăng cường các biện pháp kiểm soát đối với tất cả người đến cơ sở khám chữa bệnh như: vệ sinh tay, mang khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt, thực hiện tờ khai y tế. Cập nhật nội dung khai báo người từ vùng dịch trở về cụ thể là Đà Nẵng tính từ ngày 1/7/2020. Người bệnh có triệu chứng liên quan đến COVID-19 và từng đến Đà Nẵng từ ngày 1/7/2020 phải được cách ly tại bệnh viện và xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 và điều trị kịp thời.
- Đối với tất cả bệnh viện: củng cố, khôi phục các yêu cầu về phòng khám sàng lọc và khu cách ly theo quy định, bao gồm: phòng khám sàng lọc tách rời hẳn khối nhà của khoa khám bệnh, khu cách ly riêng biệt đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân thuộc nhóm nghi ngờ, xác định mắc bệnh SARS-CoV-2.
Trường hợp bệnh viện chưa có khu cách ly, cần bố trí phòng cách ly tạm tại khoa khám bệnh nhằm hạn chế tiếp xúc với người bệnh khác trong khi chờ chuyển viện. Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại tất cả cơ sở khám chữa bệnh, lưu ý đảm bảo tuân thủ đúng quy định về mang khẩu trang, rửa tay và sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân.
- Đối với trạm y tế và các phòng khám tư nhân: tăng cường sàng lọc người bệnh có dấu hiệu cảm cúm, triệu chứng ho, sốt bố trí khám ở khu vực riêng, phân luồng riêng và có sổ theo dõi họ tên, địa chỉ, số điện thoại của người bệnh để theo dõi, quản lý ca bệnh. Khi phát hiện người bệnh có triệu chứng liên quan đến COVID-19, liên hệ Trung tâm Cấp cứu 115 để được hỗ trợ vận chuyển người bệnh đến bệnh viện quận, huyện hoặc bệnh viện gần nhất có khu cách ly để chẩn đoán và điều trị.
- Đối với các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn: khi tư vấn bán thuốc cho những người có dấu hiệu cảm cúm, triệu chứng ho, sốt phải ghi lại họ tên, địa chỉ, số điện thoại của người bệnh, khuyến cáo cài đặt ứng dụng các ứng dụng khai báo y tế và thông báo cho Trung tâm Y tế quận huyện để theo dõi, quản lý ca bệnh.
Tăng cường công tác sàng lọc và chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2
- Tăng cường các biện pháp sàng lọc và chỉ định xét nghiệm sớm SARS-CoV-2 đối với người bệnh và nhân viên y tế có biểu hiện nghi ngờ, kể cả trường hợp có tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng để phát hiện sớm ca bệnh, cách ly kịp thời. Tuyệt đối không để tình trạng phát hiện muộn ca bệnh.
- Đối với các trường hợp có tiếp xúc với người bệnh 416, 418, 419, 420 hoặc người bệnh dương tính khác (theo công bố của Bộ Y tế), hoặc người trở về từ Đà Nẵng từ ngày 1/7/2020 xuất hiện các triệu chứng hô hấp, phải được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 và cách ly tại các bệnh viện có khu cách ly.
- Chủ động tìm tác nhân SARS-CoV-2 từ những chùm ca bệnh (những bệnh nhân có cùng các triệu chứng cảm cúm, ho, sốt và có liên quan nhau về yếu tố dịch tễ) tại các phòng khám, hoặc từ những trường hợp viêm phổi nặng không lý giải được nguyên nhân tại các khoa điều trị nội trú của bệnh viện, cần tổ chức hội chẩn để xem xét chỉ định xét nghiệm tìm vi rút SARS-CoV-2.
Các bệnh viện chủ động liên hệ với HCDC hoặc các đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố để được tư vấn và hỗ trợ về chuyên môn khi cần thiết.
- Đối với các trường hợp đang nằm điều trị tại bệnh viện vì các bệnh lý khác: tổ chức rà soát bổ sung bệnh sử các trường hợp đã từng đến Thành phố Đà Nẵng từ ngày 1/7/2020, nếu có thì lấy mẫu xét nghiệm tìm SARS-CoV-2, trong khi chờ kết quả xét nghiệm chẩn đoán: bố trí bệnh nhân nằm tại khu cách ly của bệnh viện.
- Đối với nhân viên y tế đã từng đến thành phố Đà Nẵng từ ngày 1/7/2020 (nếu có): hướng dẫn tự cách ly tại nhà đủ 14 ngày kể từ ngày rời khỏi thành phố Đà Nẵng, bệnh viện lập danh sách tất cả các nhân viên y tế trên gửi về Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố để theo dõi, quản lý sức khỏe.
- Đối với người bệnh đã từng đến Đà Nẵng từ ngày 1/7/2020 nhưng không có triệu chứng liên quan đến COVID-19, đến các cơ sở khám chữa bệnh vì các lý do khác (như khám thai, khám sức khoẻ,…) cần được chuyển đến phòng khám sàng lọc để thực hiện thăm khám, hạn chế người bệnh vào khuôn viên bệnh viện. Sau đó, cơ sở khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm: hướng dẫn người bệnh tự cách ly tại nhà và báo cáo trường hợp đến HCDC để điều phối các Trung tâm y tế lấy mẫu xét nghiệm và theo dõi.
Công tác báo cáo ca bệnh và truyền thông
- Công tác báo cáo ca bệnh: tiếp tục thực hiện báo cáo tình hình tiếp nhận các trường hợp bệnh nghi ngờ và dương tính với SARS-COV-2, cụ thể: báo cáo nhanh bằng điện thoại cho Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế trước 7g30 hằng ngày; nhập thông tin các trường hợp bệnh nghi ngờ, trường hợp bệnh dương tính SARS-CoV-2 lên phần mềm hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19 của Sở Y tế và phần mềm quản lý người bệnh COVID-19 của Bộ Y tế.
- Công tác truyền thông: các bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh khác tăng cường truyền thông cho người bệnh về cài đặt, sử dụng ứng dụng Bluezone, Ncovi trên điện thoại di động theo hướng dẫn của Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Y tế để được hỗ trợ, thông tin cảnh báo về dịch bệnh.
Sở Y tế khuyến khích các bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo y tế để dễ dàng theo dõi và cập nhật thông tin dịch tễ trên phiếu khai báo y tế.
Sở Y tế lưu ý:
- Tất cả bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh khác tuyệt đối không được từ chối tiếp nhận khám chữa bệnh, hoặc từ chối chỉ định nhập viện đối với người bệnh trở về từ Đà Nẵng (từ ngày 1/7/2020) mà không giải thích rõ lý do nhằm tránh gây hiểu nhầm và tạo tâm lý bị kỳ thị cho người bệnh.
- Tất cả bệnh viện công lập và tư nhân triển khai áp dụng đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch theo Quyết định số 3088/QĐ-BYT ngày 16/7/2020 về việc ban hành “Bộ Tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp”, báo cáo đầy đủ theo hướng dẫn của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh. Rà soát, phát hiện toàn bộ các nguy cơ thiếu an toàn phòng chống dịch của bệnh viện và khẩn trương khắc phục các vấn đề tồn tại ngay sau khi đánh giá.
- Tất cả trạm y tế và các phòng khám công lập và tư nhân triển khai thực hiện “Bộ tiêu chí đánh giá rủi ro lây nhiễm COVID-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn TPHCM” do Sở Y tế ban hành theo công văn số 2390/SYT-NVY ngày 23/4/2020 (trong khi chờ Bộ Y tế ban hành bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp dành cho phòng khám).
Sở Y tế đề nghị Giám đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khẩn trương rà soát, củng cố và thực hiện thật nghiêm các quy định về các biện pháp phòng, và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh do Ban Chỉ đạo Quốc gia, Ban Chỉ đạo thành phố ban hành.
Sở Y tế yêu cầu các phòng y tế quận huyện triển khai nội dung chỉ đạo trên đến tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn để tuân thủ thực hiện. Sở Y tế sẽ tổ chức Đoàn kiểm tra, giám sát các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19.
VOH (Theo Sở Y tế TPHCM)
Chiều 28/7: Việt Nam phát hiện thêm 7 ca nhiễm mới COVID-19 tại Quảng Nam, Đà Nẵng - Lúc 18 giờ chiều nay 28/7, Bộ Y tế Việt Nam thông báo phát hiện thêm 7 ca nhiễm COVID-19 mới tại Quảng Nam, Đà Nẵng.
66 đơn vị được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định COVID-19 - Bộ Y tế cập nhật thông tin về 66 đơn vị được phép thực hiện xét nghiệm khẳng định COVID-19.