Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

TPHCM mạnh tay xử lý thực phẩm bẩn

(VOH) - Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn TPHCM cho đến nay vẫn đặt ra nhiều bài toán hóc búa, thử thách cho ngành chức năng. Thực tế này lý giải cho việc người dân hết sức đồng tình ủng hộ với chủ trương quyết tâm, nỗ lực xử lý thực phẩm bẩn mà chính quyền thành phố đang tích cực đẩy mạnh.

Khi nhắc đến vấn đề an toàn thực phẩm, thành phố nhận định đây là nhiệm vụ cam go của không riêng bộ phận nào vì liên quan đến tất cả các ngành các cấp. Do vậy, chỉ cần “thiếu” hay “yếu” trong một khâu nào đó thì sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực. Từ cách nhìn nhận khách quan, thực tế, UBND TP đã quy công tác này về một đầu mối bằng cách thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố, đồng thời tạo ra “bàn đạp” cần thiết cho những hành động “mạnh tay” hơn để siết chặt vấn nạn thực phẩm bẩn.

Nghe bài viết

Nếu không bị kiểm tra, quản lý chặt chẽ thì những con gà hôi thối này sẽ lên bàn ăn của bất cứ gia đình nào - Ảnh : ĐS&PL

Sản xuất nông nghiệp tại thành phố hiện chỉ đáp ứng được khoảng 20 -30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại phải nhập khẩu từ các tỉnh và qua nhiều đường khác nhau. Theo đó, việc quản lý hay truy xuất nguồn gốc khi có sự cố về an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản cần tính đến những giải pháp mang tính đột phá để nâng cao hiệu quả thực tế.

Cơ quan chức năng cùng nhiều chuyên gia tin rằng, thành phố cần có quy định về quản lý hóa chất phụ gia dùng trong thực phẩm. Nói cách khác, cần xem đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, phải được sản xuất, chế biến, kinh doanh trong cơ sở thực phẩm có đủ điều kiện an toàn thực phẩm, được chứng nhận. Hướng đi này sẽ giúp cơ quan chức năng có một “công cụ” cần thiết để xử lý tình trạng sử dụng chất cấm, hóa chất, phụ gia thực phẩm không được phép trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

Song song đó, Sở Công Thương TP khẳng định khi kiểm soát chặt ở 3 chợ đầu mối thì sẽ kiểm soát được hơn 90% thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn. Theo đó, cần xây dựng lại quy chế chợ với những quy định rõ ràng, chế tài cứng rắn hơn trước đây. Tuy vậy, “nói dễ hơn làm”, để áp dụng vào thực tế cần có sự vào cuộc phối hợp của các ban ngành liên quan, cùng vai trò chủ đạo của Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố. Đồng thời, cần phối hợp với các địa phương kiểm soát thực phẩm tại nguồn, kiểm soát thực phẩm qua 3 chợ đầu mối một cách chặt chẽ hơn; cũng như xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm để phát hiện xử lý khi có sự cố xảy ra. Giải pháp này được xem như những “vệ tinh”, “tuyến phòng ngự từ xa” hay “cánh tay nối dài” nhằm giúp thành phố tăng cường khả năng chủ động trong kiểm soát nguồn thực phẩm nhập khẩu từ các địa phương.

Một khi hình thành hệ thống quản lý “từ xa” này, thành phố có cơ sở để tiến tới triển khai và thực hiện đồng bộ tại các trung tâm, siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống trên toàn địa bàn thành phố đảm bảo truy xuất được nguồn gốc thực phẩm. Mặt khác, Ban Quản lý an toàn thực phẩm cần có chương trình biểu dương các điển hình tiên tiến trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; đẩy mạnh quảng bá các thương hiệu mạnh của thành phố về an toàn thực phẩm.

Có thể thấy, cách làm này sẽ đồng thời tăng cường tính răn đe lẫn sự khuyến khích cần thiết để cả cộng đồng cùng chung tay ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn thực phẩm bẩn. Trên hết, tuyên bố mạnh mẽ từ lãnh đạo thành phố về việc “đẩy mạnh việc xử lý hình sự các vụ tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn, độc hại” chính là lời “tuyên chiến” mà người dân thành phố chắc chắn sẵn sàng ủng hộ và kề vai sát cánh.

Trong bối cảnh như vậy, một yếu tố quan trọng nữa cần nhắc đến chính là công tác tuyên truyền. Theo đó, cơ quan báo đài, truyền thông phải tạo ra “làn sóng” mạnh mẽ trong nhận thức của cộng đồng về sự quyết tâm, nỗ lực cũng như tầm quan trọng cho cuộc chiến ngăn chặn vấn nạn thực phẩm bẩn trên địa bàn TPHCM.

Bình luận