Trước mắt tuyến metro số 1 sẽ cần 377 nhân sự cho nhóm công việc vận hành, gồm 19 kỹ thuật viên điều khiển và giám sát chạy tàu, 58 lái tàu, 300 nhân sự nhà ga gồm quản lý, nhân viên bán vé, nhân viên an toàn.
HURC1 cũng đang tuyển dụng và lựa chọn để cử đi đào tạo 291 nhân viên vận hành nhà ga, bao gồm 142 nhân viên phụ trách an toàn và 149 nhân viên phụ trách vé.
Các nhân sự tuyển chọn sẽ tham gia đào tạo và được cấp chứng chỉ nghiệp vụ vận hành nhà ga đường sắt đô thị. Yêu cầu đối với các ứng viên là tốt nghiệp THPT trở lên, ưu tiên các ứng viên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, có kỹ năng giao tiếp tiếng Anh...
Đối với khối bảo trì, bảo dưỡng, công ty có nhu cầu tuyển dụng khoảng 165 nhân sự để cử đi đào tạo và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ bảo trì, bảo dưỡng tuyến đường sắt đô thị số 1. Các vị trí tuyển dụng bao gồm: kỹ thuật đầu máy toa xe, đường ray, điện; giám sát hệ thống thông tin - tín hiệu, công trình, kiến trúc…
Trong tháng 9, HURC1 đã đăng thông báo tuyển dụng thêm đối với 26 vị trí gồm các kỹ sư: hệ thống điện, điện tử; tín hiệu, viễn thông; đường sắt, đầu máy toa xe; cơ khí, thiết bị depot và nhà xưởng; hệ thống thu phí tự động, cơ điện; kết cấu công trình nhà ga, hầm, cầu cạn, depot và kiến trúc công trình…
Ứng viên quan tâm có thể tải ứng dụng HCMC METRO trên các nền tảng di động và vào mục tuyển dụng để đăng ký ứng tuyển vị trí công việc phù hợp hoặc tìm hiểu và nộp hồ sơ ứng tuyển cho lĩnh vực này tại các trung tâm dịch vụ việc làm.
Mới đây, Tập đoàn Đèo Cả đã hợp tác với Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM (UTH) để tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn sàng tham gia các dự án metro và đường sắt tốc độ cao với các chuyên ngành như: xây dựng, đầu máy - toa xe, điện - điều khiển - tự động hóa và vận hành khai thác.
Đối tượng đào tạo là sinh viên UTH có ngành nghề phù hợp hoặc cán bộ, kỹ sư Đèo Cả đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng chuyên ngành xây dựng công trình.
Theo mô hình đặt hàng, UTH thiết kế chương trình đào tạo riêng theo đơn đặt hàng của Tập đoàn Đèo Cả và đào tạo gói nhân lực đường sắt cao tốc và metro riêng cho tập đoàn. Nội dung đào tạo gồm 30% lý thuyết và 70% thực địa tại công trình, dự án do Tập đoàn Đèo Cả thống nhất với Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM.
Đối với mô hình đào tạo tại chỗ, UTH thiết kế chương trình đào tạo theo hướng lý thuyết hóa và hệ thống hóa thực hành cho kỹ sư của Tập đoàn Đèo Cả, áp dụng đối với chuyên ngành công trình giao thông, cơ khí ô tô, tổ chức và quản lý vận hành.