TPHCM: Mở lại một số chợ truyền thống và đẩy mạnh bán hàng lưu động

(VOH) - Hôm nay 19/7, tàu cao tốc của công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP chính thức tham gia vận tải hàng hóa thiết yếu và vật tư y tế.

Thời gian hoạt động từ 6h đến 19h hằng ngày. Có 5 tàu cao tốc tham gia vận chuyển đợt này, với sức  chở trung bình khoảng 20 tấn hàng hóa/mỗi chuyến tàu.

TPHCM: Sử dụng tàu cao tốc vận chuyển lương thực 1

Tàu cao tốc đã được tháo ghế để vận chuyển hàng - Ảnh: TTO

Theo Sở GTVT TPHCM, trên cơ sở lấy ý kiến các sở, ngành tại cuộc họp ngày 18/7, Sở đã đề nghị triển khai phương án vận chuyển hàng hóa thiết yếu bằng tàu cao tốc đường thủy (luồng xanh đường thủy) vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đến địa bàn Thành phố và ngược lại.

Tàu cao tốc chở hàng đi từ cảng, bến thủy nội địa thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long theo sông Tiền-kênh chợ Gạo- sông Vàm Cỏ (hoặc theo hướng kênh nước Mặn - sông Cần Giuộc)- sông Soài Rạp- sông Nhà Bè - sông Sài Gòn - bến Bạch Đằng và ngược lại.

Để đảm bảm an toàn phòng dịch Covid-19, Sở GTVT quy định đối với phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên và người bốc xếp hàng hóa:

- Phương tiện phải đảm bảo công dụng chở hàng hóa và không chở quá khả năng khai thác theo quy định của cơ quan đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.

- Thuyền trưởng, thuyền viên phải đảm bảo số lượng theo đúng định biên an toàn tối thiểu; đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 (ít nhất 01 mũi) và có xét nghiệm SARS-CoV2 theo quy định của Bộ Y tế; phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế và chính quyền địa phương (lưu ý đeo khẩu trang trong suốt quá trình vận chuyển và sát khuẩn tay thường xuyên).

- Các phương tiện thủy nội địa khi vào, rời cảng, bến thủy nội địa, chỉ cử 01 (một) thuyền viên lên bờ làm thủ tục cảng vụ (thuyền viên này phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế), các thuyền viên khác không được lên bờ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để khai báo và thực hiện các thủ tục cảng vụ online tại các cảng, bến thủy nội địa, hạn chế tiếp xúc trực tiếp.

- Các phương tiện thủy nội địa không bố trí lực lượng bốc xếp, việc bốc xếp hàng hóa tại các bến thủy nội địa do các đơn vị cung ứng hàng hóa tại địa phương chịu trách nhiệm.

- Trong suốt quá trình di chuyển của phương tiện từ các cảng, bến thủy nội địa của các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long đi thẳng về bến Bạch Đằng-Thành phố Hồ Chí Minh, phương tiện thủy không được dừng dọc đường.

- Sau mỗi chuyến vận chuyển và hàng hóa được bốc dỡ xong, phải thực hiện phun khử khuẩn toàn bộ phương tiện trước khi khởi hành chuyến mới.

Chi phí vận chuyển do công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP  thỏa thuận với tổ chức, cá nhân, với chi phí phù hợp (đảm bảo bình ổn giá).

Petrolimex khu vực 2 tài trợ toàn bộ nhiên liệu.

Mở cửa chợ truyền thống và đẩy mạnh bán hàng lưu động

Sáng nay 19/7, chợ Kiến Thành (quận Bình Tân) hoạt động trở lại. Dự kiến ngày 20/7, chợ Bình Trị Đông cùng địa bàn quận này cũng sẽ mở  bán lại.

Trước đó, chợ Phú Thọ đã mở cửa bán hàng từ ngày 16/7 với 6 tiểu thương; chợ An Đông mở cửa khu kinh doanh thực phẩm từ sáng 17/7 với 26 hộ tiểu thương tham gia bán hàng. Theo Sở Công thương TP.HCM, dự kiến còn có các chợ khác hoạt động lại như: Quận 5 (chợ Xã Tây); Quận 6 (2 chợ: chợ Phú Định, chợ Minh Phụng); Quận 8 (2 chợ: chợ Phú Lợi 1, chợ Phú Định); Quận 10 (1 chợ: chợ Nhật Tảo); huyện Bình Chánh (2 chợ: chợ Bà Lát, chợ Vĩnh Lộc A); huyện Hóc Môn (chợ Hóc Môn); huyện Nhà Bè (02 chợ: chợ Cầu Kinh, chợ Ấp 3). Song song đó, áp dụng mô hình bán hàng trực tuyến ở các chợ như: Phú Lâm, Minh Phụng, Bình Tây, Tân Hoà Đông, Nguyễn Văn Trỗi, Bàn Cờ, Bùi Phát, chợ Phạm Văn Cội, chợ Tân Phong, chợ Phước Thạnh...

Tuy nhiên, hôm qua 18/7, UBND quận 12 đã đóng cửa chợ Tân Chánh Hiệp do có một ca F0. Đồng thời, siêu thị coop mart Tô Ký ngưng hoạt động do không đủ nhân viên. Quận 12 đã phối hợp Sở Công thương tổ chức 3 xe bán hàng lưu động. Ngoài ra, phường Tân Hưng Thuận và Tân Thới Nhất hỗ trợ tiểu thương tổ chức bán rau củ quả và các mặt hàng thiết yếu cho người dân.

Mở cửa lại một số chợ truyền thống nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng vì giải tỏa được nhu cầu mua sắm thực phẩm thiết yếu. Song, cần chú ý công tác 5k để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.