Chờ...

TPHCM: Ngày đầu phục vụ khách ăn uống tại chỗ, người dân còn dè chừng

(VOH) - Hôm nay (28/10), ngày đầu TPHCM cho phép hàng quán được phục vụ ăn uống tại chỗ, tối đa 50% công suất sau đợt thực hiện giãn cách kéo dài.

Nhiều quán cà phê tại TPHCM đã đón khách trở lại, trong khi đó, một số quán ăn bình dân có nơi phục vụ tại chỗ, có nơi vẫn còn bán mang đi. Theo phản ánh của các hộ kinh doanh, hiện giá nguyên vật liệu tăng cao nên việc kinh doanh cũng gặp ít nhiều khó khăn.

Chủ yếu bán cơm cho khách là những người lao động chân tay như phụ hồ, thợ công trình, sinh viên, anh Nguyễn Văn Hiệp, chủ quán cơm miền Tây cho hay, do nhiều người lao động nghèo còn sử dụng điện thoại không có mạng nên khó thực hiện việc quét mã QR, khai báo y tế, do đó, quán vẫn chưa cho ngồi tại chỗ vì sợ bị phạt: “Ngày đầu tiên cho mở cửa thì một số người còn sợ, chưa dám ngồi đâu. Nếu cho khách ngồi tại chỗ thì quán mình phải đủ điều kiện của Bộ Y tế đưa ra: như quét mã QR, chích ngừa đầy đủ, có giấy xét nghiệm… Do một số người điện thoại không có ứng dụng, số khác không thích khai báo rườm rà…”.

Trong khi đó, tại các quán cà phê mà có lợi thế sân vườn, rộng rãi thì ngày đầu tiên được phép cho khách ngồi tại chỗ cũng đã có khách lai rai. Một số khách đến uống cà phê vừa trò chuyện, vừa đeo khẩu trang, chỗ ngồi của khách đều bố trí khoảng cách theo yêu cầu. Chủ quán cà phê Thi – chị Nguyễn Thị Ngọc Hương cho biết: “Ở đây không có máy lạnh, mình ngồi giãn cách. Lượng khách trung bình chứ hiện tại khách ở thành phố mình cũng không còn nhiều. Mình cũng chuẩn bị khẩu trang, cồn, xịt khuẩn, ngồi giãn cách cho khách”.

tphcm-ngay-dau-phuc-vu-khach-an-uong-tai-cho-nguoi-dan-con-de-chung-voh.com.vn-anh1
Người dân ăn uống tại chỗ. (Ảnh: SGGP)

Trước đó,  chị Trương Thị Thanh Thúy, chủ quán cà phê Sunny đã dọn dẹp vài ngày trước đó, tu bổ, sửa sang lại quán, bỏ nguyên liệu cũ thay nguyên liệu mới. Theo chị, 80% người kinh doanh ở đây là đi thuê mặt bằng, những mặt bằng cà phê máy lạnh đầu tư rất lớn, giá thuê từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Có đến 30-40% quán đã trả lại mặt bằng. Sáng nay được phục vụ khách tại chỗ, quán chị đã mở cửa trở lại.

Với lợi thế mặt bằng ở đây khá đẹp, thuận tiện, nằm ngay ngã tư hai mặt tiền đường, cây xanh nhiều, thoáng rộng nên so với các quán cà phê khác, khách ngồi uống tại Sunny đông hơn: “Mình thấy khách chấp hành, đeo khẩu trang, có ý thức thực hiện các chỉ thị của thành phố. Đa số gia đình cũng hạn chế ra đây ngồi, chỉ có những người do bàn công việc hoặc bạn bè họ đến ngồi chút rồi về.

Nói chung khách cũng vắng nhưng từ từ. Tiêu chí bán trở lại thì mình hoàn toàn đồng ý, vì ai cũng có ý thức tự bảo vệ cộng đồng và bản thân. Một điều mình băn khoăn là giá nguyên vật liệu cao quá, có loại tăng từ 30-40%, trong khi giá ly cà phê mình không tăng giá, thậm chí mua mang đi còn giảm nữa. Cũng cố gắng duy trì tạo cho bản thân và nhân viên có việc làm và thích ứng từ từ”.

Không chỉ giá nguyên liệu tại quán cà phê tăng, mà các nguyên liệu dùng để bán đồ ăn cũng tăng. Một số quán ăn bình dân đã rục rịch tăng giá từ ngày được phép cho bán mang đi, như một tô phở, bún bò, nếu trước đây 35 ngàn đồng thì nay đã tăng lên 40 ngàn đồng; Bún mộc từ 30 ngàn tăng lên 35 ngàn đồng…

Chủ quán phở Anh Vũ – chị Nguyễn Thị Khánh Linh cho hay: “Giá nguyên vật liệu hầu như tăng hết, như rau thơm trước kia mua chỉ 200 ngàn đồng/kg thì giờ mua tới 300-400 ngàn đồng. Dầu ăn, mắm muối, trước kia mua 1 lít dầu 30 ngàn đồng thì nay lên 40 ngàn đồng. Không phải cái gì cũng tăng hết nhưng đa số là tăng.

Bị dịch nên tiền của người dân cũng không còn nhiều, mình tăng giá thì khó coi lắm!”.

Hiện một số cơ cở kinh doanh lớn ở lĩnh vực ăn uống vẫn mới dọn dẹp, sửa sang mặt bằng, hiện vẫn chưa đón khách.