Giá đền bù phù hợp với thị trường, vừa lòng dân
Hiện nay, TPHCM đã cắm cọc giải phóng mặt bằng và bàn giao cho địa phương tiến hành các thủ tục bồi thường, thu hồi đất dự án đường Vành đai 3.
Giá đền bù cao nhất ở vị trí mặt tiền, dự kiến từ 13,7 - 40,1 triệu đồng/m2. Các khu vực khác xa đường giá từ 5,1 - 8,9 triệu đồng/m2. Riêng giá bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp, đất mặt tiền dự kiến giá đền bù từ 3,3 - 8,2 triệu đồng/m2. Nơi không tiếp giáp đường giá từ 2,3 - 5,8 triệu đồng/m2...
Đây là giá đền bù tạm tính, khi bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, các địa phương cùng đơn vị tư vấn độc lập sẽ thẩm định cụ thể trước khi trình Hội đồng thẩm định giá đất và UBND TPHCM phê duyệt để áp dụng.
Đọc thêm: Chủ tịch UBND TPHCM ký văn bản khẩn về đẩy nhanh tiến độ dự án Vành đai 3
Ông Huỳnh Hữu Phước (huyện Bình Chánh) cho rằng, ông và nhiều người dân nhận thấy đơn giá bồi thường và các chính sách hỗ trợ hợp lý, đúng khung giá thị trường, do đó đã chấp thuận bàn giao đất sớm.
Ông Võ Đức Minh (phường Long Trường, thành phố Thủ Đức) – người sẽ bàn giao khoảng 4.000 m2 đất cho hay: “Về giá cả đền bù đất nông nghiệp, người dân chúng tôi rất hài lòng với mức giá thành phố Thủ Đức và Ban bồi thường đưa ra. Tôi mong muốn, sau khi bàn giao mặt bằng, dự án sẽ được triển khai đúng tiến độ để có đường xá thuận lợi hơn, người dân tiện di chuyển và tạo động lực để phát triển thành phố”.
Cùng với hơn 270 hộ dân khác tại huyện Hóc Môn, gia đình ông Phan Đình Tâm đã sẵn sàng chấp thuận các chủ trương mà Thành phố đề ra trong việc đền bù giải tỏa: “Con đường mở được vậy thì gia đình tôi rất mừng. Gia đình tôi có khoảng hơn 4.200 m2 đất nằm trong dự án Vành đai 3. Việc hoán đổi đất đến nơi khác để canh tác, làm kinh tế, chúng tôi cũng rất yên tâm”.
Chính quyền đang chạy đua tiến độ
Dự kiến đến tháng 3/2023, UBND TPHCM sẽ duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với đất nông nghiệp và những trường hợp bị thu hồi đất ở mà đồng thuận bàn giao mặt bằng. Sau đó 10 ngày, UBND các địa phương sẽ ban hành phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Sau khi có phương án, các địa phương bắt đầu chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân và bàn giao nhà ở, đất ở tái định cư.
Theo ông Võ Trung Trực - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đây là dự án Thành phố xác định làm mẫu cho các công trình khác nên việc bồi thường ngoài căn cứ vào loại đất, Thành phố cũng xét vị trí đất để đưa ra mức giá đền bù phù hợp cho người dân.
“Các địa phương sẽ vận động người dân chấp thuận đơn giá bồi thường đất ở và đơn giá tái định cư có sẵn bàn giao trước. Vào thời điểm tháng 3/2023 người dân đồng thuận bàn giao trước, nhận tiền bồi thường trước sẽ có cơ hội bốc thăm nhận nền và triển khai xây dựng nhà xong thì mới bàn giao phần nhà đất cho thành phố” - ông Trực cho hay.
Đối với một số trường hợp do pháp lý nhà đất không đảm bảo theo quy định pháp luật xây dựng nhà sau năm 2004 và xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, Thành phố cũng sẽ có chính sách tái định cư cho người dân với điều kiện người dân không có nhà đất nào khác trên địa bàn.
Trong các buổi làm việc với các sở ngành, các địa phương về công tác triển khai dự án Vành đai 3, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi luôn yêu cầu, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc và phải quan tâm sâu sát để kịp thời đề xuất chính sách, chế độ tốt nhất cho người dân bị hưởng.
Chủ tịch UBND TP khẳng định: “Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và các chính sách hỗ trợ phải được thực hiện có tính chất kiểu mẫu và làm sao để những hộ gia đình, những tổ chức trong vùng dự án có đất bị thu hồi thì sẽ được tái định cư, sẽ ổn định lại sinh kế, đời sống bằng và tốt hơn thì chúng ta phải kiên trì”.
Với chủ trương đặt người dân vào vị trí trung tâm, lắng nghe người dân trong từng trường hợp cụ thể, TPHCM đã nhận được sự đồng thuận của người dân trong quá trình giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3.
Đây sẽ là bước khởi đầu thuận lợi để TPHCM tiếp tục triển khai các công việc tiếp theo đảm bảo dự án đường Vành đai 3 được khởi công đúng tiến độ, hoàn thành đúng thời gian và phát huy hiệu quả cao nhất, góp phần cho sự phát triển của TPHCM và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án đường Vành đai 3 là dự án có tầm quan trọng đặc biệt trong việc kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, tạo không gian và động lực phát triển kinh tế – xã hội TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đường Vành đai 3 dài hơn 76km đi qua các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và TPHCM, trong đó gần 2/3 chiều dài đi qua TPHCM với 47,51 km. Tại TPHCM, đường Vành đai 3 đi qua huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh và thành phố Thủ Đức với tổng diện tích đất thực hiện dự án khoảng 408 hecta và 1.639 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 654 hộ bị giải tỏa trắng. Đoạn qua địa bàn thành phố Thủ Đức có chiều dài nhất khoảng 14,7km, diện tích thu hồi khoảng 139 ha với khoảng 656 trường hợp bị ảnh hưởng. |