Đặc biệt, xây dựng và triển khai Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, trong đó xác định công nghệ vi mạch và cảm biến đóng vai trò cốt lõi trong việc hình thành hạ tầng để vận hành các ứng dụng trong đô thị thông minh. Tại diễn đàn MEMS/Cảm biến TPHCM 2017 "Cảm biến/MEMS giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Việt Nam" diễn ra sáng 9/11 đã bàn về tiềm năng, lợi thế, cơ hội và bước đi của ngành này.
Lãnh đạo TP trao đổi với các doanh nghiệp, chuyên gia nước ngoài
Công nghệ vi mạch và cảm biến là cốt lõi để xây dựng đô thị thông minh
Tiến sĩ Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền Thông cho biết, chương trình phát triển vi mạch của TPHCM giai đoạn 2017-2020 xây dựng nền tảng cơ bản cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn TPHCM theo hướng: lấy dịch vụ, công nghệ thiết kế làm trọng tâm, bao gồm các khâu đào tạo, thiết kế, và gia công thiết kế, chế tạo thử nghiệm; thu hút nguồn nhân lực cao cấp trong và ngoài nước; phát triển thị trường vi mạch điện tử, nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách và giải pháp hỗ trợ phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM; từng bước tiếp cận làm chủ công nghệ mới và tiên tiến trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, đặc biệt, lĩnh vực liên quan đến xây dựng đô thị thông minh.
Ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp
TP đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai chương trình phát triển vi mạch của thành phố với Bộ Khoa học và Công nghệ, hỗ trợ Ban Cơ yếu Chính phủ sử dụng một số lõi IP và phần mềm thiết kế vi mạch trong dự án Design House, ứng dụng, kiểm tra vi mạch nâng cao.
5 năm qua, TP đã cấp kinh phí cho 18 đề tài, dự án nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm với kinh phí trên 68 tỷ đồng. Qua đó, sản phẩm Chip vi xử lý 8 bit RISC thương mại có tên “SG-8V1” là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được chính thức đưa ra thương mại có khả năng cạnh tranh về giá lẫn tính năng.
"Vi mạch Việt và các sản phẩm sử dụng vi mạch Việt sẽ được tạo ra thông qua các đề án đào tạo nguồn nhân lực, vận hành khai thác, thiết kế, xây dựng phòng sản xuất thử nghiệm, ươm tạo doanh nghiệp Việt, chương trình nghiên cứu, đề án phát triển doanh nghiệp Việt. Từ đó, tạo ra nhiều công ty khởi nghiệp có giá trị cao để tham gia vào phát triển ngành công nghiệp vi mạch, MEMS. Bởi vì khi xây dựng đô thị thông minh, ứng dụng của MEMS sẽ có nhiều cơ hội để phát triển” – ông Đức nói.
Doanh nghiệp hoạt động trong khu không gian khoa học nhận được nhiều ưu đãi
Theo Tiến sĩ Lê Hoài Quốc – Trưởng ban Khu công nghệ cao TP, để phát triển hệ sinh thái từ nghiên cứu đến đào tạo, ươm tạo, thương mại hóa sản phẩm, đặc biệt, có một khu là không gian khoa học với 93 hecta, các doanh nghiệp hoạt động trong khu này nhận được rất nhiều ưu đãi về miễn thuế 4 năm đầu, giá thuê đất bằng 0, đặc biệt đối với các chương trình khác có chương trình kích cầu để phát triển những sản phẩm mới.
TPHCM xác định công nghiệp vi mạch bán dẫn và cảm biến là một ngành công nghiệp quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Từ năm 2012, thành phố đã chủ động nghiên cứu và triển khai Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch dựa vào các thế mạnh bao gồm: nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao; tính chủ động, tiên phong đột phá trong tư duy phát triển và ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến phát biểu tại diễn đàn MEMS/Cảm biến TPHCM 2017
TPHCM là địa phương có số doanh nghiệp nhiều nhất cả nước, trong đó cơ cấu các doanh nghiệp về công nghiệp, dịch vụ, thương mại chiếm tỷ trọng lớn. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đánh giá: “Diễn đàn này là cơ hội quý giá cho các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về công nghiệp liên quan tới vi mạch bán dẫn và cảm biến, các nhà hoạch định chính sách cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm”.
Ông Tuyến khẳng định: Thành phố cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi; kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và cảm biến thông qua hợp tác, đầu tư, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất, chế tạo, đóng gói, kiểm định và thương mại hóa linh kiện vi cơ điện tử. Trong đó tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm ứng dụng cảm biến trong các lĩnh vực nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thành phố.
Tại diễn đàn MEMS/Cảm biến TPHCM 2017
TPHCM cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai chương trình phát triển công nghiệp vi mạch, được Chính phủ và các bộ-ngành Trung ương đánh giá cao và đang xem xét để nâng cấp thành Chương trình Quốc gia trong thời gian tới.