Tuy nhiên, không nằm ngoài xu hướng tại các quốc gia trên thế giới, hiện Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang chịu áp lực và nguy cơ cao dịch bệnh bùng phát trở lại. Như vậy với diễn biến dịch còn phức tạp, tăng trưởng kinh tế Thành phố quý 4 năm 2021 vẫn chưa lấy lại đà phục hồi. Tính chung cả năm 2021, tăng trưởng kinh tế Thành phố giảm khoảng -6,78%. Đây là mức suy giảm tăng trưởng kinh tế trên địa bàn Thành phố chưa từng xảy ra trong 35 năm qua. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 4 Hội đồng nhân dân Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi đã trình bày những mục tiêu tổng quát về phục hồi phát triển kinh tế và phòng chống dịch bệnh năm 2022.
Thực tiễn cho thấy, tổng thể kinh tế Thành phố vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức; bên cạnh những hệ quả về KTXH, đại dịch COVID-19 đã bộc lộ ra 03 vấn đề lớn Thành phố cần đặc biệt quan tâm: Vấn đề quản trị Thành phố trong tình hình mới; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông cơ sở dữ liệu trong hoạt động, vận hành công tác quản trị Thành phố và từ đổi mới công tác quản trị, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng Thành phố trong tương lai. Do đó, chặng đường phục hồi kinh tế phía trước sẽ còn gặp nhiều trở ngại nếu không có hệ thống các giải pháp đồng bộ, với tầm nhìn dài hạn và triển khai linh hoạt, kịp thời, phù hợp trong thời gian tới. Trong bối cảnh đó, để xây dựng các chỉ tiêu cơ bản về KTXH và đề ra nhiệm vụ giải pháp trọng tâm cho năm 2022, Thành phố dựa trên một số quan điểm sau đây:
+ Bám sát các mục tiêu KTXH 5 năm 2021-2025
+ Nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 phải tiến hành song song, đồng thời và hài hòa giữa: phục hồi kinh tế với kiểm soát an toàn PCD và bảo đảm an sinh xã hội.
+ Mục tiêu năm 2022 là phục hồi tăng trưởng và từ năm 2023 hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và sẽ tăng tốc, nếu có điều kiện trong 2 năm cuối của kế hoạch 5 năm. Gắn nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 với nội dung thực hiện “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế Thành phố 2022-2025” theo tinh thần: những giải giáp trước mắt phải tạo tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu trung-dài hạn.
+ Phục hồi kinh tế trên địa bàn Thành phố phải gắn với mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng cạnh tranh, tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa- dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và đổi mới công nghệ; phát triển nhanh nền kinh tế số; xây dựng hạ tầng số; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị...
Thành phố xây dựng chủ đề năm 2022 là: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp. Với chủ đề này, Thành phố xác định kiểm soát hiệu quả dịch covid-19 là điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển KTXH; đồng thời, tiếp tục phát huy kết quả thực hiện chủ đề năm 2021 thông qua việc nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn của người dân và doanh nghiệp nhằm khơi thông và phát huy nguồn lực xã hội để phát triển Thành phố.
Thành phố đề ra 19 chỉ tiêu, trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn Thành phố (GRDP) đạt 6% - 6,5%, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP; chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân trên 0,75%/GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm; tạo việc làm mới cho 140.000 lao động, tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%; tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt 86,05%…
Về chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2022 từ 6 - 6,5%: Có thể nói việc đưa tốc độ tăng trưởng từ âm 6,78% lên 6-6,5% sau 1 năm là nhiệm vụ rất khó khăn. Tuy nhiên, với nền tảng hạ tầng kinh tế và lực lượng doanh nghiệp hiện hữu của Thành phố, cùng với truyền thống sự năng động, sáng tạo vốn có, nếu có môi trường kinh doanh thuận lợi; có sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của Nhà nước (Trung ương và Thành phố) về tài chính, tín dụng, dịch vụ hành chính công và kiểm soát tốt dịch bệnh… thì việc phục hồi kinh tế Thành phố theo chữ V là điều hoàn toàn có thể. Đây còn là sự quyết tâm chính trị đưa Thành phố trở lại vị trị, vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước.
Với truyền thống năng động, sáng tạo vốn có của Thành phố; với lực lượng doanh nghiệp chiếm gần 40% cả nước; với hạ tầng kinh tế sẵn có của một trung tâm kinh tế lớn…; nếu có được sự đồng thuận của nhân; sự nổ lực cao nhất của cả hệ thống chính trị, thì chắc chắn kinh tế Thành phố sẽ phục hồi và phát triển với một vị thế mới.