TPHCM phối hợp các địa phương đưa người dân về quê theo nguyện vọng

(VOH) - Chiều 1/10, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid Thành phố tổ chức họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền tình hình dịch covid-19 trên địa bàn thành phố trong 24 giờ qua.

Về việc lưu thông hàng hóa sau khi thành phố mở cửa, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho hay, theo quy luật cung cầu, nếu hàng hóa về càng nhiều, giá cả càng giảm. Ngày 1/10, lượng hàng về thành phố trên 5.100 tấn, tăng 0,3% so với ngày 30/9.

Ở ngày đầu tiên, việc mở cửa trở lại của thành phố có làm tăng lượng hàng hóa, do đó trong thời gian tới, giá cả hàng hóa có thể sẽ tiếp tục giảm. Sở cũng đang làm việc, tìm nguồn hàng về thành phố nhiều hơn nữa.

nguoi-dan-luu-thong-trong-thanh-pho-phai-dam-bao-theo-quy-dinh-cua-chi-thi-18-voh.com.vn-anh1
Tại nút giao An Phú (nút giao đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây) trong ngày 1/10. (Ảnh: HL).

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết thêm: "Đối với xét nghiệm shipper, Sở đã nhận tất cả các bộ kit test và cũng đã chuyển hết đến các đơn vị, và từ ngày 1/10 trở đi, chúng tôi cũng đang có gửi ý kiến qua bên ngành y tế để xét nghiệm tiếp theo sẽ thực hiện theo hướng dẫn của ngành y tế. Còn về quản lý shipper, chúng tôi luôn coi lực lượng shipper là một lực lượng rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn phòng chống dịch này, cho nên Sở Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện công tác quản lý shipper theo các điều kiện về phòng chống dịch".

Về phương án tổ chức giao thông giữa thành phố và các tỉnh lân cận, ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thông tin, theo quy định của các bộ tiêu chí và văn bản mà Ủy ban nhân dân Thành phố gửi tới các tỉnh, thì người đến thành phố phải có vắc-xin và xét nghiệm âm tính.

Thành phố cũng đã đưa ra 3 phương thức vận chuyển người ngoại tỉnh về thành phố, tuy nhiên đối tượng trong phương án này chủ yếu là cơ sở sản xuất kinh doanh lớn, còn các hộ kinh doanh nhỏ, lẻ, tiểu thương thì ông Phan Công Bằng cho biết: "Dự kiến là sau khi mở cửa trở lại, nhu cầu người lao động tại các doanh nghiệp lớn và nhỏ, tiểu thương sẽ tăng cao, đòi hỏi phải tổ chức đưa đón người lao động từ các địa phương quay lại TPHCM. Sở Giao thông Vận tải được giao là đầu mối thực hiện nhiệm vụ này.

Trong văn bản nói rõ, tức là qua các đầu mối gồm Ủy ban nhân dân các quận huyện, thành phố Thủ Đức, các ban quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp, cũng không giới hạn là các cơ sở tư nhân lớn, kể cả các hộ tiểu thương thì cũng thông qua các phường, xã để tổ chức".

Đối với vấn đề người dân về quê, Thượng tá Trần Thanh Giang – Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an Thành phố thông tin, khi người dân tụ tập đông người tại các chốt cửa ngõ, lực lượng công an thành phố đã tuyên truyền, vận động người dân ở lại, cùng tham gia vào việc từng phục hồi kinh tế của thành phố, cùng với đó là thực hiện 5K: "Sau khi tuyên truyền, vận động mà bà con vẫn nhất định đi về quê, lực lượng Công an Thành phố tiếp tục phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế và Bộ Tư lệnh Thành phố, trước mắt là sẽ phân chia các đoàn và phát phiếu, thu thập thông tin về nhân thân và kèm theo đó là những yếu tố về dịch tễ.

Sau đó trao đổi Sở Giao thông Vận tải cũng như Bộ Tư lệnh Thành phố để điều xe chở bà con và phương tiện. Người dân ở địa phương nào cảnh sát giao thông sẽ dẫn đường và đưa về tận địa phương đó và địa phương sẽ tiếp nhận, xử lý. Đến 14h ngày 1/10, Công an Thành phố đã giải quyết, hỗ trợ khoảng 1.300 người dân về các tỉnh. Với sự chỉ đạo kịp thời của Ủy ban nhân dân Thành phố, bà con cũng hưởng ứng và phấn khởi".

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Đức Hải - Phó ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid Thành phố chia sẻ, người dân đến thành phố với bất kỳ mục tiêu nào từ học tập, làm việc, du lịch, tham quan,… thành phố đều trân trọng, đón tiếp và chăm sóc để người dân có điều kiện tốt nhất khi ở đây.

Đối với người lao động, thành phố càng trân trọng vì chính những người này đã góp phần tạo ra của cải vật chất, phát triển kinh tế cho thành phố. Ông Hải cho biết thêm, khi thành phố áp dụng Chỉ thị 18, sẽ có nhiều người dân bày tỏ mong muốn về quê, thế nhưng trong bối cảnh nhiều dịch vụ, cửa hàng, nhà máy, doanh nghiệp hoạt động trở lại, thì thành phố vẫn vận động bà con ở lại.

Trường hợp người dân muốn về, thành phố sẽ phối hợp địa phương chăm lo chu đáo, đưa người dân về an toàn: "Thành phố thấy mình có trách nhiệm khi để người dân tự phát về quê mà mình chăm lo chưa thật chu đáo. Nay theo nguyện vọng của bà con, thành phố đã và sẽ phối hợp với các tỉnh thành, đưa bà con về quê một cách chu đáo. Việc này vừa đáp ứng đúng nguyện vọng, vừa đảm bảo sức khoẻ của bà con, nhất là người già, phụ nữ, trẻ em và đồng thời cũng đảm bảo được công tác phòng chống dịch của thành phố và các địa phương".