Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

TPHCM: Qua thanh tra phát hiện nhiều vi phạm trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất

(VOH) - Cơ quan chức năng TP.HCM kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 11 tổ chức và 18 cá nhân, đã chuyển 7 vụ việc sang cơ quan công an để xử lý hình sự.

UBND TPHCM vừa có báo cáo về kết quả thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2021.

Vụ sai phạm tại Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV đã được chuyển sang cơ quan công an.
Vụ việc sai phạm tại Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV  là một trong những vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự. 

Thanh tra TP.HCM phát hiện vi phạm về kinh tế khoảng 215 tỷ đồng, vi phạm về đất đai là 6.433.569,5m2. Kiến nghị thu hồi 27 tỷ đồng, mới chỉ thu hồi được 6,5 tỷ đồng; đã chuyển vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an 21 tỷ đồng; đã xử lý kỷ luật 21 tổ chức và cá nhân; đã chuyển 7 vụ việc sang cơ quan công an để xử lý hình sự. 

Tổng số tiền thu được từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở là hơn 8.500 tỉ đồng; còn hơn 400 tỉ đồng chưa thu được.

TPHCM đã tiến hành thanh tra 28 vị trí đất của 8 đơn vị với tổng diện tích hơn 5.900.000m2 và ban hành 8 kết luận thanh tra.

8 đơn vị gồm: Trung tâm Hạt nhân thành phố; Công ty CP SX KD DV và Xuất nhập khẩu quận 1 (Công ty Fimexco); Công ty CP Đầu tư và Xây lắp 5; Công ty CP NAKYCO; Công ty TNHH MTV Cây trồng thành phố; Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV; Công ty TNHH MTV Cảng sông Sài Gòn (nay là Công ty CP Cảng Phú Định); Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn TNHH MTV.

Các sai phạm được phát hiện dưới hình thức Doanh nghiệp Nhà nước góp vốn tham gia liên doanh, liên kết hoặc lập công ty liên doanh để triển khai dự án bất động sản thực chất là chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư nhưng không thông qua thủ tục đấu thầu.

Hoạt động này đã biến tướng bằng các kiểu hợp đồng như hợp đồng góp vốn bằng lợi thế quyền thuê đất, lợi thế thuê mặt bằng… nhưng bản chất vẫn là góp vốn quyền thuê đất; 

Có trường hợp doanh nghiệp Nhà nước sử dụng hợp đồng hợp tác để cập nhật thông tin biến động trên Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, từ đó giao cho đối tác toàn quyền thực hiện dự án khi chưa được cơ quan chủ quản hoặc cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; 

Khi hợp tác đầu tư, doanh nghiệp Nhà nước không thẩm định lợi thế quyền thuê đất, lợi thế mặt bằng làm cơ sở góp vốn, từ đó giao toàn quyền cho đối tác khai thác dự án và phân chia lợi nhuận cố định; 

Doanh nghiệp sử dụng đất thuê của Nhà nước không đúng mục đích giao, thuê, sử dụng đất đai, mặt bằng không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh chính của đơn vị, không đúng phương án cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước được duyệt. 

Bình luận