Được thiết kế với kích thước nhỏ, gọn 10.5x 15cm, bao gồm 60 trang, cẩm nang được kỳ vọng sẽ tiếp cận được được một lượng lớn du khách - những người đi du lịch kết hợp khám chữa bệnh.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, với hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu rộng khắp gồm 114 bệnh viện công lập và tư nhân, 319 trạm y tế, 196 phòng khám đa khoa, gần 6.000 phòng khám chuyên khoa tư nhân… các đơn vị của ngành sẽ đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của người dân và dịch vụ du lịch y tế từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Với việc trang thiết bị, kỹ thuật y tế ngày càng được nâng cao, chất lượng phục vụ chuyên nghiệp, ngành Y tế TPHCM tự tin sẽ phục vụ tốt nhất cho du khách với giá cả cạnh tranh.
Cẩm nang du lịch Y tế vừa ra mắt.
"Loại hình dịch vụ y tế kỹ thuật cao với giá thành thấp có tính chất cạnh tranh, những loại hình kỹ thuật chuyên sâu, phẫu thuật của TPHCM hiện nay kinh phí chỉ bằng 30 - 70% so với các nước.
Bên cạnh đó, mối quan tâm hàng đầu của khách du lịch y tế là chất lượng kỹ thuật, dịch vụ. Chất lượng phục vụ tại các cơ sở y tế này là mối quan tâm hàng đầu mà khách du lịch dự định sẽ đến. Đây cũng là mang yếu tố quyết định sự cạnh tranh khách hàng”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết.
Ngoài ra, thống kê tại nhiều nước trên thế giới, các loại hình dịch vụ kỹ thuật được nhiều người lựa chọn trong du lịch y tế là: phẩu thuật thẩm mỹ, nha khoa, ghép tạng, phẫu thuật tim, phẫu thuật chỉnh hình. Ngoài ra, việc thụ tinh trong ống nghiệm hay các dịch vụ hỗ trợ sinh sản khác cũng là loại hình thu hút khách du lịch y tế.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, PGĐ Sở Du lịch phát biểu tại lễ ra mắt.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, PGĐ Sở Du lịch cho hay, bước đầu, cẩm nang du lịch y tế sẽ in 10 ngàn cuốn, phát hành thông qua hệ thống các bệnh viện, nhà hàng, khách sạn, sân bay, các Trạm thông tin hỗ hợ du khách.
Trong cuốn cẩm nang được xuất bản lần đầu, 2 đơn vị đã đưa vào danh sách 14 cơ sở khám chữa bệnh tốt nhất với những trang thiết bị y tế hiện đại, kỹ thuật chuyên sâu. Tiến tới, Sở Y tế tiếp tục phối hợp với Sở Du lịch xét chọn để bổ sung các cơ sở đạt chất lượng yêu cần.
Về kế hoạch tiếp cận với du khách, bà Hoa cũng cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục khai thác kênh truyền thông qua mạng, sẽ có fanpage chính thức của Du lịch Y tế, cũng sẽ đưa vào youtube để quảng bá. Đồng thời, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp để ra mắt một số cẩm nang chuyên đề trên 5 nhóm nội dung mà 2 Sở đã ký kết.”
Sự ra đời của Cẩm nang du lịch Y tế được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều du khách cả trong và ngoài nước, đặc biệt là những thị trường du khách đến từ Lào, Campuchia, Úc và nguồn khách Việt kiều ở nhiều quốc gia trên thế giới.