Cũng theo UBND TP, đối với các công trình đang thi công thì cần có biện pháp dẫn dòng; đồng thời chuẩn bị phương tiện, nhân lực ứng cứu khi xảy ra ngập.
Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chính quyền địa phương tuyên truyền đến người dân và triển khai phương án ứng cứu đối với các khu vực có hiện tượng ngập nặng trong mùa mưa.
Ảnh minh họa.
Đối với các công trình có hiện tượng bị tràn nước vào tầng hầm thì hỗ trợ chủ đầu tư tìm giải pháp giảm thiệt hại cho cư dân đang sinh sống tại khu vực; công bố thông tin, sơ đồ thoát nước, phương án thoát nước, ứng cứu ngập nước cho từng khu vực bị ngập nước để người dân biết và chủ động trong công tác phòng, chống ngập nước.
Sở Xây dựng chịu trách nhiệm tăng cường kiểm tra việc đầu tư xây dựng, nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án; kiểm tra công tác quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng hệ thống hạ tầng kỹ thuật công trình; xử lý các vi phạm (nếu có).
UBND các quận-huyện cần giải tỏa cục bộ những điểm lấn chiếm kênh, rạch, cửa xả, hố ga nghiêm trọng, đặc biệt là các vị trí bị “thắt cổ chai”; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xả rác, lấn chiếm, xây dựng trái phép và các hành vi xâm hại đến kênh rạch và hệ thống thoát nước; yêu cầu các đơn vị được giao quản lý các tuyến cống, kênh, rạch tăng cường công tác nạo vét, duy tu, tăng cường máy bơm, giải tỏa các chướng ngại vật cản trở dòng chảy.
Ngoài ra, phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, vận động và hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh, ứng phó các loại thiên tai, các diễn biến thời tiết bất lợi do tình hình biến đổi khí hậu; tăng cường vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ hệ thống kênh, rạch, cống thoát nước; không xây dựng, lấn chiếm lòng kênh, rạch, cửa xả, không xả rác xuống kênh rạch, cống thoát nước…