Chờ...

TPHCM tập trung 6 giải pháp phát triển du lịch đêm

TP HCM - Kinh tế đêm là các hoạt động kinh doanh dịch vụ từ 18g tối hôm trước đến 6g sáng hôm sau, tập trung vào các lĩnh vực: ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện,...

Theo các chuyên gia, TPHCM hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế ban đêm, với các thế mạnh như: tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú; văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc; dân số trẻ, đông và mật độ tập trung đông, có mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao; thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu; nền chính trị ổn định… Chính vì thế, ngành Du lịch Thành phố xác định, phát triển du lịch gắn với kinh tế đêm “là một giải pháp chiến lược để thúc đẩy ngành du lịch thành phố phát triển”.

ba-bui-thi-ngoc-hieu-pho-giam-doc-so-du-lich-thanh-pho-ho-chi-minh-chia-se-thong-tin_20240731113147jpg_voh
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM chia sẻ thông tin tại hội nghị

Tại Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp và chính quyền thành phố lần thứ 247 vừa qua, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, để  du lịch ban đêm tại Thành phố trở thành“đòn bẩy phát triển kinh tế”, trong chức năng của  mình, Sở Du lịch TPHCM sẽ tham mưu và tập trung thúc đẩy phát triển du lịch đêm với sáu giải pháp trọng tâm.

toan-canh-hoi-nghi_20240731113158jpg_voh_1
Toàn cảnh hội nghị

Cụ thể đó là:

Thứ nhất: Sẽ ứng dụng các nội dung của Đề án du lịch thông minh của TPHCM, đẩy mạnh triển khai các ứng dụng, tiện ích hỗ trợ khách du lịch, ưu tiên triển khai ứng dụng công nghệ trong thanh toán trực tuyến, sử dụng công nghệ tự động hóa trong cung cấp dịch vụ tại các mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm.

Thứ hai: Xây dựng Đề án khuyến khích đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn Thành phố để khuyến khích các bảo tàng, khu di tích gắn với văn hóa lịch sử trên địa bàn Thành phố, khu điểm du lịch,… tổ chức các chương trình tham quan, trải nghiệm đặc sắc, hấp dẫn đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ, để mở cửa phục vụ du khách về đêm.

Thứ ba: Hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành phối hợp với các điểm đến, cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch xây dựng và tổ chức các chương trình du lịch 
chuyên đề phục vụ khách du lịch vào ban đêm; tiếp tục hỗ trợ truyền thông để đẩy mạnh 03 chương trình du lịch ban đêm đang khai thác là: Quận 1 – 
Sắc màu đêm; Trăng Chiến khu – Địa đạo Củ Chi; Nhà Bè nghìn lẻ 
một đêm.

Thứ tư: Phát triển những sản phẩm du lịch gắn với khám phá nét văn hóa cộng đồng đô thị về đêm, tập trung ở các tuyến phố chuyên doanh tại Quận 1, Quận 5, quận Phú Nhuận, quận Bình Thạnh, thành phố Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ,…

Thứ năm: Khuyến khích đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy gắn với hoạt động ban đêm: tàu ngủ đêm, hoạt động trải nghiệm ẩm thực và giải trí ban đêm trên tàu, thuyền, du thuyền,…

Thứ sáu: Xây dựng Kế hoạch về khai thác du hệ thống di sản, di tích phong phú, là cơ sở để hình thành nhiều chương trình du lịch hấp dẫn, đa dạng. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới, du lịch văn hóa có đóng góp 37% du lịch toàn cầu và dự báo có thể tăng lên 15% mỗi năm.

Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, có khoảng 56% khách quốc tế chủ yếu tìm hiểu về giá trị văn hóa – lịch sử, trong khi đó khách nội địa tìm hiểu về giá trị văn hóa – du lịch chiếm khoảng 28%. Vì vậy, ngành du lịch Thành phố cũng cần phát triển 01 chương trình nghệ thuật thực cảnh về TPHCM làm điểm nhấn trong chương trình tham quan tại Thành phố với bản sắc riêng, có chiều sâu của văn hóa, lịch sử và có độ hoành tráng và sự mới mẻ theo xu hướng của thế giới để thu hút khách tham gia và chi tiêu mạnh về đêm.

Ngoài ra, Thành phố hiện đang ưu tiên khai thác mô hình kinh tế đêm, đồng thời đặc biệt thu hút giới đầu tư bởi định hướng tập trung mọi nguồn lực đưa Thành phố phát triển khiến cho thủ phủ du lịch này trở thành “cái nôi” của loại hình du lịch MICE, Văn hóa lịch sử, Giải trí, Ẩm thực, làm tiền đề cho kinh tế đêm phát triển đồng bộ; để sản phẩm du lịch đêm “sống được”, phát triển ổn định và bền vững, Thành phố đã tạo nét riêng với nhiều hoạt động vui chơi, mua sắm, trải nghiệm và các loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc.

Tại khu vực Bến Bạch Đằng (Quận 1) có thể đầu tư loại hình du lịch “Trên bến dưới thuyền”, còn khu vực Chợ Lớn, điểm nhấn là chợ Bình Tây (Quận 6) cần có loại hình mua sắm, ẩm thực gắn với cuộc sống của người dân bản địa,… Tại một số nơi đủ điều kiện hình thành các tổ hợp kinh tế đêm mà không ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư, chẳng hạn Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức), bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh),… cần kết nối, xây dựng cầu tàu để phát triển sản phẩm du lịch cả đường bộ lẫn đường sông.

Về công tác phát triển sản phẩm du lịch, nâng cao hiệu quả phát triển 
du lịch của Thành phố, ngành du lịch có 08 nhóm giải pháp đang thực hiện 
đồng bộ. Đó là, phát triển sản phẩm, tài nguyên, thương hiệu, xúc tiến quảng bá, đào tạo nhân lực, liên kết vùng… Trọng tâm là phát triển sản phẩm cho du lịch thành phố. Hiện ngành xác định 4 nhóm sản phẩm chính đang có nguồn thu lớn là văn hoá lịch sử, hội nghị hội thảo triển lãm, du lịch kết hợp ẩm thực, du lịch kết hợp mua sắm. Ngành cũng xác định các sản phẩm tiềm năng lợi thế của Thành phố như du lịch đường thuỷ, du lịch không ngủ gắn với vui chơi giải trí và kinh tế đêm.

Có thể thấy, để phát triển du lịch bền vững gắn với mô hình kinh tế đêm tại TPHCM, cần tiếp tục xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo giải quyết tốt mối quan hệ: Giữa bảo tồn giá trị truyền thống (gìn giữ giá trị di sản, văn hóa, di tích, cảnh quan thiên nhiên,...) và đưa Thành phố trở thành một trung tâm du lịch sôi động, nhộn nhịp, hấp dẫn về đêm; Cân bằng lợi ích giữa các chủ thể có liên quan (giữa nhu cầu vui chơi của khách du lịch và nhu cầu nghỉ ngơi của người dân); Giữa đa dạng hóa hoạt động kinh tế ban đêm, cung cấp nhiều dịch vụ về đêm; Giữa phát triển kinh tế ban đêm, khuyến khích người dân địa phương tham gia hoạt động về đêm và đảm bảo điều kiện sức khỏe cho người dân địa phương tham gia hoạt động ban ngày.