Báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo Thành phố về công tác phòng chống dịch Covid–19 sáng 11/6, ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận Gò Vấp cho biết, Gò Vấp đã ngày 12 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Tính đến sáng 11/6, tổng số ca F0 từ khi đợt dịch lần thứ 4 trên địa bàn quận Gò Vấp là 106 ca, trong đó có 101 ca được Bộ Y tế công bố, 5 ca nghi nhiễm.
Đến nay, đại bộ phận người dân chấp hành tốt Chỉ thị 16, các doanh nghiệp sản xuất thiết yếu hoạt động bình thường, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh không thiết yếu chấp hành đóng cửa. Tổ chức kiểm tra, kịp thời nhắc nhở, xử phạt các trường hợp cố tình vi phạm.
Về tình hình giao thông, vào giờ cao điểm lượng lưu thông đông, tuy nhiên so với thời điểm trước giãn cách thì giảm nhiều. Trong các giờ còn lại, người dân thực hiện giãn cách tốt, số người ra đường trong trường hợp không cần thiết là rất ít. Nhờ đó, quận Gò Vấp đã kéo giãn điểm lây nhiễm, kiềm chế dịch bệnh.
Quận duy trì 7 chợ, 7 siêu thị, 200 cửa hàng tiện lợi hoạt động bình thường, giá cả bình ổn. Người dân đi chợ không nhiều. Các chốt kiểm soát y tế, phong tỏa được đảm bảo, an ninh trật tự được đảm bảo tốt. Không xảy ra cháy nổ, trọng án, vi phạm hình sự. Đánh giá tình hình chung, ông Nguyễn Trí Dũng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận Gò Vấp cho biết: "Quận đánh giá rằng, nếu như trong thời gian tới, số ca sắp phát hiện trong khu cách ly được kiểm soát tốt, còn trường hợp, số ca phát hiện trong cộng đồng không nhiều, xu hướng nhờ giãn cách giảm khả năng lây nhiễm, lây lan trong cộng đồng, khả năng trong những ngày còn lại, việc quận thực hiện giãn cách, kiểm soát y tế sẽ có chuyển biến tốt. Tình hình người dân chấp hành tốt. Đánh giá, Gò Vấp chỉ cần thực hiện giãn cách 15 ngày là đủ.
Về phía cộng đồng, trong công tác phòng chống dịch, ông Ngô Minh Châu – Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TPHCM lưu ý người dân cần tăng cường, nâng cao ý thức hơn nữa trong công tác phòng chống dịch: "Hiện mọi người chỉ ngại trong tiếp xúc với những người là F, còn với người bình thường chúng ta chưa có ý thức cao nhưng những người này cũng có nguy cơ mà chúng ta dễ dàng bỏ qua, chấp hành 5K không chuẩn. Ví dụ như ở ngoài đường đeo khẩu trang rất kỹ nhưng khi về nhà tiếp khách mở khẩu trang ra. Hay như đến điểm mua nước thấy đông, hơi ngộp lại kéo khẩu trang xuống, đây là cơ hội để lây lan truyền bệnh".
Tại cuộc họp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi lưu ý, hiện vẫn còn một số ca còn nhiễm trong cộng đồng. Chúng ta quan tâm, làm sao tập trung điều tra truy vết, cuối cùng kiểm soát được dịch bệnh. Quá trình thực hiện thống nhất nhau về phương pháp, phối hợp đồng bộ, nghiêm túc thực hiện các biện pháp. Về nâng cao năng lực cách ly, một số địa phương chủ động chọn điểm cách ly như chọn trường học. Tuy nhiên, trường học có những điều kiện không đáp ứng được như dùng chung nhà vệ sinh, các sinh hoạt chung, thì đặt ra vấn đề nguy cơ khả năng lây chéo.
"Có ý kiến đề nghị các cơ sở vật chất của Quân khu mà trên địa bàn chúng ta có thể huy động được. Hay với những trường hợp rất cảnh giác, rất nghiêm túc, gia đình người ta có điều kiện cách ly thì cách ly tại nhà như thế nào. Đây là vấn đề chúng ta cần nghiên cứu vì mục tiêu là đảm bảo quản lý, nếu nghiên cứu làm được việc này sẽ giảm được chi phí cho những trường hợp cách ly tập trung. Bên cạnh nâng cao năng lực cách ly, làm sao đủ điều kiện phục vụ cách ly an toàn, làm sao phù hợp với chi phí, khả năng chi trả và có thể linh động để giảm tải", ông Phan Văn Mãi đề xuất.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố đã trải qua ứng phó cả 2 chủng Ấn Độ và Anh. Trải qua 4 - 5 chu kỳ lây nhiễm nên công tác phòng chống dịch phải thần tốc quyết liệt mạnh mẽ hơn nữa. Hiện nay mỗi ngày vẫn xuất hiện 30 – 50 ca bệnh, đa số là những trường hợp F1 đã đưa vào khu cách ly hay các khu phong tỏa. Thứ 2 là qua xét nghiệm tầm soát khi khám bệnh tại các bệnh viện. Thứ 3 qua truy vết tại các khu phố, công ty, cao ốc. Hiện nay, nguy cơ dịch bệnh trong khu chế xuất, khu công nghiệp có thể xảy ra, vấn đề này luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm.
Ông Nguyễn Thành Phong lưu ý: "Trong quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, doanh nghiệp, tôi đã có đề nghị việc ký cam kết. Đề nghị các địa phương nghiêm ngặt trong vấn đề này vì khi xảy ra sự cố thì ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của địa phương rất nhiều. Đồng thời, triển khai hướng dẫn của Bộ Y tế về hướng dẫn khi có ca mắc để chuẩn bị sẵn sàng phương án cách ly cũng như duy trì hoạt động của cơ sở".
Về phía Sở Y tế TPHCM, ngành y tế cũng đã chủ động xây dựng phương án đáp ứng chống dịch với 5.000 ca nhiễm, sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm, hóa chất theo phương châm 5 tại chỗ, sẵn sàng cơ sở điều trị để có thể tiếp nhận số lượng lớn các trường hợp mắc bệnh. Phân công 07 bệnh viện của Thành phố chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 với 2.000 giường bệnh, 1000 giường hồi sức, 1.000 máy thở, chuẩn bị triển khai thêm các bệnh viện dã chiến với tổng số 3.000 giường.