Ảnh minh họa: TTO
Qua 5 năm triển khai, TPHCM cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể như kiểm soát hiệu quả tình trạng mất cân cân bằng giới tính khi sinh, tỷ số giới tính khi sinh được giữ ở mức hợp lý, duy trì ở mức 106 đến 107 trẻ trai /100 trẻ gái. Riêng tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hàng năm đạt khoảng 70%, trong đó các biện pháp tránh thai hiện đại đạt trên 65%.
Về nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh hơn 70%, trẻ sơ sinh được sàng lọc hơn 60%. Việc triển khai có kết quả các chương trình, mô hình, đề án góp phần giảm tỷ lệ trẻ em sinh ra bị mắc các tật, bệnh bẩm sinh.
Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở mức thấp, dưới 7‰. Tỷ suất tử vong mẹ hiện ở mức thấp so với cả nước, dưới 6 ca/100.000 ca sinh sống.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tân – Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình lo ngại TPHCM đang có có tỷ suất sinh thấp nhất cả nước.
“Năm 2011, tỷ suất sinh trung bình của một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ của TP là 1,3 con, bằng mức của Ý, Tây Ban Nha hiện nay. Nói cách khác, tỷ suất này của TP đã giảm sâu dưới mức sinh thay thế. Quan điểm của chúng tôi là TPHCM phải kéo mức sinh lên trong khi các tỉnh, TP khác phải giảm xuống”, ông Tân cho biết.
Bà Nguyễn Thị Thu – Phó chủ tịch UBNDTP lưu ý, thời gian qua, sự quan tâm của cấp ủy địa phương dành cho công tác dân số chưa đạt yêu cầu. Nhiều nơi còn khoán trắng cho ngành y tế nên kết quả chưa đạt như mong đợi.
Năm nay, Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc cũng đã quyết định chủ đề Ngày Dân số Thế giới 11/7 là: “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên” nhằm kêu gọi các quốc gia tăng cường hơn nữa sự quan tâm chăm sóc nhóm dân số dễ bị tổn thương là các trẻ em gái vị thành niên.