Cũng vì lẽ đó, từ khi mạng internet xuất hiện, dù đã tạo ra nhiều lợi ích nhưng cũng mang lại những thách thức to lớn. Điển hình là việc không gian mạng trở thành nơi “trú ẩn an toàn” của loại tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đặc biệt là, tội phạm có tổ chức, diễn biến ngày càng phức tạp với đủ loại thành phần như: hoạt động tấn công mạng, khủng bố mạng hay gây ra sự cố an ninh mạng.
Các hành vi trên không gian mạng có thể xâm hại tới mọi người, mọi lĩnh vực, từ vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội cho đến việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Điển hình là đối với các hoạt động lừa đảo để chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội, nổi cộm là một số thủ đoạn đã và đang gây bão trên cộng đồng mạng thời gian qua như: lừa đảo qua điện thoại, nhắn tin trúng thưởng, hackmail của người dân và doanh nghiệp; lấy cắp thông tin thẻ tín dụng, sử dụng thẻ giả để rút tiền của cá nhân từ ngân hàng hay huy động tài chính thông qua sàn giao dịch tiền ảo.
Về điều này, Trung tá Lê Văn Giang - Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM, cho biết: "Đối với thủ đoạn lừa đảo của tội phạm về lĩnh vực sử dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố vừa qua, mặc dù đã có tuyên tuyền, cảnh báo nhiều lần nhưng trong thời gian qua vẫn có phát sinh những nạn nhân liên quan đến vấn đề lừa đảo qua mạng xã hội; để lại hậu quả là các đối tượng kinh doanh, mua bán, chụp giựt, lừa đảo, trộm cắp,... gây bức xúc về vấn đề an ninh trật tự trên địa bàn thành phố. Mong rằng, hôm nay, chúng tôi cũng gửi gắm đến các bạn, tuyên truyền để các bạn nắm lại, nghe lại, hiểu và hạn chế, phòng phừa xảy ra thiệt hại. Đó là mong muốn của lực lượng công an - những người tham gia phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố và lực lượng CATP nói chung".
Trên không gian mạng hiện nay, mức độ phát tán những tin đồn thất thiệt ngày càng gia tăng; nhiều đối tượng lưu manh, phản động, tổ chức khủng bố đã tạo lập nhiều tài khoản, hội nhóm trên các trang mạng xã hội nhằm tổ chức hoạt động, cấu kết xúi giục, mua chuộc, lừa đảo lôi kéo người dân tham gia gây mất ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Thời gian qua, Công an TPHCM đã đẩy mạnh thực thi Luật An ninh mạng thông qua việc tổ chức nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh và triệt phá nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định pháp luật, gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố. Điển hình như trường hợp của đối tượng Quách Duy, nguyên là chuyên viên tin học của văn phòng UBND TPHCM. Từ năm 2019 đến nay, Quách Duy đăng tải hơn 100 bài viết với nội dung bôi nhọ, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TPHCM đang tại chức hoặc đã nghỉ hưu. Công an TPHCM đã khởi tố, bắt tạm giam đối tượng này về hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Hay như tổ chức khủng bố “Triều đại Việt” với các đối tượng nguyên là thành viên Tổ chức khủng bố “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”. Chúng hỗ trợ tiền, chỉ đạo số cơ sở trong nước tiến hành các hoạt động khủng bố, phá hoại; lợi dụng lòng yêu nước kích động người dân xuống đường biểu tình, gây mất ổn định an ninh chính trị.
Chia sẻ về điều này, ông Trần Quang Tuy - một người dân bày tỏ: "Lòng yêu nước thì ai cũng có, đó là một điều chắc chắn. Yêu nước thì phải có những hành động, có những lời nói mang tính chất xây dựng".
Phải khẳng định rằng, các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ âm mưu, sử dụng công nghệ mới để chống phá đất nước một cách rất tinh vi. Điều này cũng đòi hỏi mỗi người dân sử dụng mạng xã hội phải hiểu về quyền và có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật, phải tìm hiểu thông tin về những quy định của Luật, về những việc không được làm để bảo vệ chính mình, tránh những vi phạm do thiếu hiểu biết, để cùng góp phần xây dựng xã hội sống an toàn, an ninh hơn. An toàn không gian mạng là nhằm góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.
Luật An ninh mạng được thực thi, là cơ sở pháp lý vững chắc cho lực lượng công an trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn trên không gian mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, phòng chống tấn công mạng và nhất là xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật như lời chia sẻ của Đại tá Nguyễn Sỹ Quang – Phó Giám đốc Công an TPHCM tại một buổi họp báo mới đây: "Tất cả các loại tội phạm hiện nay đều hoạt động trên không gian mạng. Năm 2021, Phòng An ninh mạng và Công nghệ cao CATP ra đời sẽ là lực lượng chuyên trách. Đơn vị này sẽ là đơn vị chủ công phối hợp với các đơn vị khác để thực hiện công tác phòng chống tội phạm trên không gian mạng".
Đã được 2 năm kể từ khi Luật An ninh mạng ra đời và nay đã đi vào đời sống, góp phần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Chính vì thế, mọi người hãy “nói không” với các hành vi vi phạm pháp luật khi tham gia hoạt động trên không gian mạng để cùng góp phần tạo ra môi trường lành mạnh, an toàn cho chính mình và cộng đồng.