TPHCM: Xử phạt hơn 2.400 trường hợp ra đường không lý do chính đáng

(VOH) - Chiều 27/8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Báo TTO dẫn báo cáo về tình hình dịch COVID-19 của ông Phạm Đức Hải cho biết, TPHCM đã trải qua hơn 4 ngày thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội tăng cường. Hiện nay, ý thức chấp hành các biện pháp giãn cách được nâng lên và Lưu lượng giao thông giảm 90% so với những ngày thường. Công tác xét nghiệm cũng được đẩy nhanh tiến độ và công tác an sinh xã hội được triển khai nhanh chóng, bước đầu đảm bảo được đời sống người dân.

Ông Phạm Đức Hải - phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM - báo cáo tại cuộc họp - Ảnh:
Ông Phạm Đức Hải - Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM - báo cáo tại cuộc họp - Ảnh: TTO

Ông Phạm Đức Hải cũng cho biết vẫn còn một bộ phận người dân chưa thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, vẫn còn tình trạng người dân ra đường không lý do chính đáng. Lực lượng chức năng TPHCM đã lập biên bản xử phạt hơn 2.400 trường hợp với số tiền phạt 3 tỉ đồng.

Hiện TPHCM có khoảng 194.000 trường hợp mắc bệnh được ghi nhận. TP đang điều trị 38.000 bệnh nhân, trong đó có 2.310 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.700 bệnh nhân nặng đang thở máy và 20 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 26/8 có 2.200 bệnh nhân xuất viện, 287 trường hợp tử vong.

Về vấn đề tiêm vaccine, đến hết ngày 26/8, Thành phố đã tiêm được 5.741.654 mũi (tăng 113.926 mũi vaccine so với ngày 25/8), trong đó tổng số mũi 1 là 5.485.507, mũi 2 là 256.147, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 598.02 mũi.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế, TP đã mở rộng xét nghiệm để đánh giá tình hình dịch bệnh. Từ ngày 23/8 đến nay, TPHCM thực hiện test nhanh hơn 1,1 triệu mẫu, tập trung ở các vùng đỏ, vùng cam. Trong đó, có khoảng 42.000 trường hợp dương tính, chiếm tỉ lệ khoảng 3,5%. Với dự báo số ca F0 tăng, Thành phố đã thành lập hơn 400 trạm y tế lưu động ở các phường xã, thị trấn để hỗ trợ cho F0 cách ly tại nhà. Trong trường hợp quá khả năng, trạm y tế lưu động sẽ có trách nhiệm chuyển bệnh nhân vào bệnh viện.