Vẻ đẹp vầng trăng khuyết

(VOH) - Trong bước đường mưu sinh lập nghiệp đối với một người bình thường cũng đã trải qua rất nhiều khó khăn, đối với người khuyết tật những khó khăn đó lại nhân lên gấp trăm lần.

Không chỉ biết rung động yêu thương chân thật, biết đồng cảm, sẻ chia, nương tựa nhau, dũng cảm vượt qua thử thách để đón nhận hạnh phúc của mình, nhiều cặp vợ chồng người khuyết tật trở thành động lực, hỗ trợ nhau trong cuộc sống. 

Họ mang theo vẻ đẹp đầy bí ẩn của sự tiếp nối giữa ngày sang đêm để vầng trăng khuyết rồi lại đầy.

Điển hình như vợ chồng chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc và anh Nguyễn Ngọc Hân, (Quận Bình Tân). Dù bại liệt, đi lại khó khăn nhưng anh chị đã cố gắng vượt qua hoàn cảnh, tốt nghiệp đại học để có được nghề nghiệp ổn định, xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm sóc cho hai con nhỏ chu đáo.

Vẻ đẹp vầng trăng khuyết

Gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc và anh Nguyễn Ngọc Hân

Chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc chia sẻ: "Thời gian đầu đi học, chị thường phải nhờ các bạn cõng, bế hoặc khênh cả người và xe lên lớp ở tầng cao.

Giờ em đang làm bên hóa đơn điện tử với chữ ký số. Ba em mất sớm, mẹ ở dưới quê. Em xin việc cũng rất khó khăn. Đi xin việc, người ta nói là không nhận người khuyết tật. Nhưng may mắn phường Đa Kao đã tạo điều kiện cho em vào làm ở nhà May Mắn".

Những giọt mồ hôi đã đổ, những giọt nước mắt đã rơi. Nếu vinh quang không gặt hái từ những may mắn thì với cặp đôi vàng của làng điền kinh người khuyết tật Việt Nam Cao Ngọc Hùng - Nguyễn Thị Hải, trong lịch sử điền kinh đầu tiên người khuyết tật Việt Nam - nỗi khiếm khuyết lại không bao giờ là trở ngại đối với họ.

Huy chương Paralympic tại Rio 2016 của Cao Ngọc Hùng hay vô số huy chương vàng trên đấu trường quốc tế của Nguyễn Thị Hải là con số biết nói. Đó là tình yêu thể thao, nghị lực và tinh thần thi đấu, niềm tự hào mà họ luôn vượt qua thử thách mang vinh quang về cho Tổ quốc.  

Rời các trận thi đấu họ lại trở về với cuộc sống thường ngày với cơm áo, gạo tiền, lao vào cuộc mưu sinh, từ bán vé số, bán quán ăn hay bán giày ngoài lề đường trước khi đến với thể thao chuyên nghiệp. Họ đều có chung một số phận kém may mắn.

Cơn sốt bại liệt ập tới từ khi còn nhỏ, khiến họ bị bại liệt chân. Cả 2 vận động viên này đều sinh ra và lớn lên ở dải đất miền Trung nghèo khó, Hải quê ở Nghệ An, còn Hùng quê ở miền núi tỉnh Quảng Bình.

Nói về động lực đến với thể thao, Cao Ngọc Hùng cho biết: "Giải đầu tiên tôi đi thi đấu ở Hồng Kông và đạt 3 huy chương vàng. Đó là động lực để tôi bước theo con đường thể thao đến hôm nay. Cũng nhờ thể thao, tôi có tiền lo cho mẹ chữa bệnh và cho cha và sau khi bố mẹ mất thì tôi tiếp tục cố gắng lo cho em gái ăn học".

Còn Hải, trước khi lập gia đình với Hùng, cô ở mái ấm tình thương An Bình (Quận Bình Thạnh). Hiện nay, mỗi ngày hai vợ chồng lại đèo nhau từ Bình Chánh xuống Trung tâm thể thao ở Quận Thủ Đức để tập luyện rồi lại chạy về lo cho quán lẩu bò mới mở để có thêm chi phí lo cho hai con nhỏ.

Hải tâm sự: "Trong tập luyện cũng rất khó vì khi đi lại khó khăn. Mỗi ngày đạp xe từ quận Bình Thạnh xuống Quận 10 để tập luyện. Tôi tập hăng say, thậm chí thầy cho nghỉ rồi vẫn trốn thầy để tập. Cảm giác thích thú khi đến với thể thao tôi thấy hòa đồng hơn và cảm thấy tự tin hơn trong cuộc sống".

Còn câu chuyện của gia đình chị Nguyễn Thị Mai, anh Trương Văn An, anh đi đánh đàn cho quán cà phê mỗi tối, ban ngày cũng cùng chị đi bán vé số nuôi hai con nay đã học lớp 12 và Đại học.

Ngoài giờ học các con đi dạy thêm giúp đỡ cha mẹ, các con của anh chị còn tham gia dạy thêm miễn phí cho các em thiếu nhi hoàn cảnh khó khăn vào mỗi dịp hè. Gia đình anh chị đi đầu trong việc vận động người dân tích cực: “Phân loại thu gom và xử lý rác thải tái chế” do phường Hội tổ chức. Gia đình chị nhiều năm liên đạt gia đình văn hóa.

Chị Mai chia sẻ: "Anh ấy đi bán vé số cũng gặp nhiều khó khăn. Anh có nghề đàn nhưng trước đây chỉ biết đàn guitar thôi nhưng sau thấy người ta hay hát với nhau bằng đàn organ nên anh đã vay vốn của Hội người mù để mua đàn về tập, rồi đi xin đàn ở mấy quán hát với nhau để có tiền lo cho con ăn học". 

Nhờ sự quan tâm, yêu thương và đồng hành của gia đình, cộng đồng xã hội và các tổ chức đoàn thể, nhiều anh, chị em khuyết tật đã tự tin hơn và không ngừng phấn đấu, nỗ lực vượt khó để trở thành công dân có ích, tấm gương sáng cho cộng đồng noi theo, họ đã vượt lên số phận bằng tất cả nghị lực, trí tuệ, năng lực của chính mình để học tập, lao động, trở thành người con hiếu thảo trong gia đình, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp và gia đình hạnh phúc.

Các anh, các chị là vầng trăng sáng, là ánh trăng đầy để cuộc sống được bình yên. Dịu dàng, yêu thương và hướng thiện.