Vì sao khó phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ tại TPHCM?

VOH - Năm 2022, Sở Xây dựng đã phối hợp với chủ đầu tư tổ chức lễ khởi công, động thổ 4 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án nhà lưu trú. Tuy nhiên đến nay, chỉ 1 dự án hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng.

Thông tin được Phó phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP - Mai Thanh Tùng cho biết tại cuộc họp báo chiều nay.

Thành phố có 9 dự án nhà ở xã hội đang triển khai với diện tích đất là 17,54 ha, 517.689,7m² sàn xây dựng, quy mô gần 6.400 căn hộ.

Năm 2022, Sở Xây dựng đã phối hợp với chủ đầu tư tổ chức lễ khởi công, động thổ 4 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án nhà lưu trú.

Nhưng đến nay, chỉ 1 dự án hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng (Dự án Nhà ở xã hội (khối C) thuộc Khu dân cư Nguyên Sơn, Bình Chánh do Công ty Cổ phần Bất động sản Nguyên Sơn làm chủ đầu tư);

Các dự án còn lại đang thực hiện thủ tục gia hạn tiến độ, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, điều chỉnh quy hoạch chi tiết…

Vì sao khó phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ tại TPHCM? 1
Ông Mai Thanh Tùng, Phó phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP - Ảnh: TTBC

Ông Mai Thanh Tùng cho biết, các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp. Ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại, các dự án nhà ở xã hội phải thực hiện thêm các thủ tục khác.

Việc bồi thường giải phóng mặt bằng một số dự án nhà ở xã hội khó khăn, kéo dài, tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí không thực hiện được.

Theo quy định, nguồn tiền sử dụng đất thu được từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền, được sử dụng để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Nhưng việc sử dụng nguồn tiền này để tái đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước để cho thuê trong giai đoạn vừa qua còn hạn chế.

Nguồn vốn hỗ trợ các chủ đầu tư vay thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội, cho các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội vay mua nhà chưa ổn định.

Thủ tục điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2000, quy hoạch chi tiết 1/500 mất nhiều thời gian.  Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng chưa thực sự chủ động về nguồn vốn, nên tiến độ thi công kéo dài.

Cơ chế ưu đãi chủ đầu tư nhà ở xã hội chưa hấp dẫn, nên không thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia.

Để tháo gỡ các vướng mắc nêu trên, Sở Xây dựng sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm quy chế phối hợp giải quyết hồ sơ, cách thức làm việc giữa các đơn vị, phân nhóm giải quyết các thủ tục đầu tư thuộc trách nhiệm của Văn phòng UBND TP, các sở, ban, ngành, UBND các quận huyện và TP Thủ Đức.

Bình luận