Trả lời tại cuộc báo về tính hiệu quả của việc bình ổn thị trường trong một thời gian dài tổ chức, đặc biệt là trong lúc dịch Covid-19 bùng phát đến nay tại TPHCM, ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố cho biết: "Chương trình bình ổn thị trường đến nay đã triển khai được 20 năm, chương trình đã đạt được mục tiêu quan trọng nhất, đó là đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu của người dân, đặc biệt là người dân có thu nhập thấp. Chương trình bình ổn được Chính phủ, được các bộ, ngành rất là quan tâm, ủng hộ và tuyên dương, nhân rộng ra cả nước. Trong thởi điểm bùng phát dịch Covid-19 thì các doanh nghiệp bình ổn thị trường đã làm rất tốt để góp phần cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân tại thời điểm này. Chính các doanh nghiệp bình ổn thị trường cùng với các doanh nghiệp khác bằng các giải pháp linh hoạt đã góp phần cung cấp nguồn lương thực thực phẩm cho người dân".
Hiện nay, nhiều người dân TPHCM bị đe dọa cũng như kiểu đòi nợ khủng bố trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, danh dự, uy tín và nhân phẩm của người dân bị đe dọa. Sở Thông tin và truyền thông xử lý vấn đề này ra sao? Về nội dung này, ông Từ Lương - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố lưu ý: "Sở Thông tin truyền thông đề nghị người dân khi bị các đối tượng đòi nợ với phương thức thủ đoạn như trên một cách vô cớ thì người dân có thể ghi âm, lưu lại tin nhắn, lưu lại hình ảnh bị cắt ghép sai sự thật để cung cấp cho Sở Thông tin truyền thông và cơ quan công an nhằm làm cơ sở xử lý và can thiệp trong trường hợp cần thiết. Cần tránh tâm lý e ngại, thậm chí là thỏa hiệp để cho qua và như vậy chúng ta vô hình trung tạo điều kiện cho các đối tượng tiếp tục vi phạm pháp luật thông qua các hành vi của mình".
Liên quan đến câu hỏi thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị phòng ngừa, giám sát như thế nào trước nguy cơ dịch đậu mùa khỉ đang bùng phát tại nhiều quốc gia? Trả lời vấn đề này, bà Lê Thiện Huỳnh Như - phó Chánh văn phòng Sở Y tế thành phố cho biết Bộ Y tế đã ban hành công văn về việc tăng cường giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, trong đó tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành bệnh đậu mùa khỉ, tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về tình hình đậu mùa khỉ. Bà Lê Thiện Huỳnh Như lưu ý biện pháp phòng chống tạm thời: "Thứ nhất là tránh tiếp xúc với người bị mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với các vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn, vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Thường xuyên rửa tay sạch bằng xả phòng, dung dịch sát khuẩn, che miệng khi ho, hắc hơi. Người có triệu chứng nghi ngờ cần chủ động cách ly, tránh quan hệ tình dục, cần chủ động liên hệ ngay với các cơ sở y tế để theo dõi và tư vấn kịp thời. Người xác minh mắc bệnh cần phải cách ly y tế cho đến khi điều trị khỏi bệnh. Người đến các quốc gia đang lưu hành bệnh đậu mùa khỉ thì cần tránh tiếp xúc với các động vật có vú bị bệnh, không nên ăn và tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm động vật nhiễm bệnh. Đến thời điểm hiện tại TPHCM chưa ghi nhận trường hợp bệnh đậu mùa khỉ".