Tiêu điểm: Nhân Humanity

Xác định được nguyên nhân, TPHCM sẽ lựa chọn giải pháp chống ngập nào?

(VOH) - “TPHCM đang bị sụt lún. Dự tính mỗi năm, mặt đất sụt lún 7cm. Mức độ sụt lún đang tăng nhanh mỗi năm. Đây là hồi chuông báo động vì điều này chính là mối đe dọa hiện hữu đối với Thành phố"

"Theo dự báo, khoảng 30 năm, 50 năm hay 100 năm nữa, một phần lớn Thành phố sẽ nằm dưới mực nước biển và trở thành đầm lầy” – đây là dự báo của ông Laurent Umans, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Hà Lan - tại hội nghị mời gọi đầu tư các giải pháp chống ngập và xử lý thải 9/8 tại TP.HCM.

Có 3 vấn đề nghiêm trọng cấp bách TP.HCM cần đặt ra hiện nay, theo ông Laurent Umans, đó là vấn đề nguồn nước do biến đổi khí hậu làm mực nước biển dâng; sụt lún tuy chỉ vài cen-ti-mét mỗi năm nhưng về lâu dài lại là vấn đề nghiêm trọng. Tiếp đó, mực nước ngầm chỉ tăng vài mét mỗi năm nhưng cũng là vấn đề đáng báo động trong ngắn hạn, nhất là khi việc khai thác nước ngầm tác động đến sụt lún.

Ông Laurent Umans cho rằng, TP.HCM cần ưu tiên đầu tư vào việc giảm nhanh việc khai thác nước ngầm. Trong đó, trang bị đường ống cấp nước mới, nhà máy xử lý nước, các khu vực chứa nước, kết nối hộ gia đình. Tiếp đó, cần đảm bảo thành phố không phát triển về phía biển và chú trọng kết nối các nền tảng kinh tế, xã hội và văn hoá của thành phố.

Phân tích một trong những nguyên nhân chính gây ngập, theo PGS.TS Châu Nguyễn Xuân Quang, Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu - Đại học Quốc gia TP.HCM, do hệ thống thoát nước đô thị chưa được đầu tư hoàn chỉnh và chưa kết nối đồng bộ. Công tác quản lý duy tu, vận hành chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước của TP.HCM đối mặt với nhiều rủi ro: sụt lún mặt đất, đô thị hóa quá mức kiểm soát, hiện tượng mưa và nước biển dâng do tác động của biến đổi khí hậu, lũ thượng nguồn về nhiều hơn, hạ tầng xuống cấp…

Vì vậy, câu hỏi đặt ra là TP.HCM có tái ngập hay không sau khi các dự án triển khai để hài hòa giữa giải pháp ngắn hạn đối với ngập cục bộ trong khi chờ các dự án lớn hoàn thành, ứng phó với những yếu tố bất định trong tương lai. Từ đó, PGS.TS Châu Nguyễn Xuân Quang đề xuất: Giải pháp điều tiết nước mưa sẽ giúp giải quyết tình trạng ngập cục bộ tại thời điểm hiện tại và sẽ ứng phó với những biến cố bất định trong tương lai. Không gian điều tiết nước mưa có ưu điểm giảm đỉnh về thể tích dòng chảy, trữ nước mưa tạm thời thì giúp được bổ cập nước ngầm cho TP, cải thiện chất lượng nước mặt, phát triển đô thị xanh, tăng mỹ quan đô thị.

Đối với vấn đề xử lý nước thải, ông Phan Hồng Phương, đại diện Công ty Organica Technologies đưa ra giải pháp công nghệ sinh học về các trạm xử lý nước thải. Theo ông, công nghệ này giúp tiết kiệm 60% diện tích sử dụng đất, chi phí vận hành về điện năng thấp hơn 30%, tạo bề mặt là vườn sinh thái, giảm đáng kể diện tích giải phóng mặt bằng. Hiện có hơn 100 dự án lắp đặt trên toàn thế giới.

"Tất cả các hệ thống đều được đưa vào bên trong, hệ thống mùi trong nhà được kiểm soát hoàn toàn, phía trên là hệ thống rễ cây, kết hợp với giá thể nhân tạo tạo ra hệ sinh thái. Các hệ sinh thái này tạo ra các loài khác nhau từ nhỏ đến lớn, ăn lẫn nhau, con nhỏ sẽ là thức ăn của con lớn. Chính vì vậy gọi đó là công nghệ xử lý theo chuỗi thức ăn”, ông Phương nói.

Với giải pháp hồ điều tiết ngầm giảm ngập theo công nghệ Nhật Bản. Hồ này có khả năng điều tiết dòng chảy tràn và bổ sung thêm nguồn nước ngầm. Ông Trần Văn Chín – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần phát triển hạ tầng kỹ thuật VMCTech cho rằng, khá phù hợp trong điều kiện nguồn kinh phí hạn hẹp, TP không đủ khả năng để nâng cấp hay thay toàn bộ cống. Do đó, giải pháp này giải quyết vấn đề ngập cục bộ, không chiếm dụng diện tích lớn. Khi triển khai các công trình thì mặt bằng giao thông được trả lại ngày cho TP.

 “Đối với địa bàn nào nguồn nước ngầm lớn, những vị trí đó chưa phù hợp, còn những vị trí nguồn nước ngầm thấp, thì có thể triển khai giải pháp này tốt, cụ thể là quận 12. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu đường Nguyễn Văn Quá, giải quyết ngập cục bộ tại khu vực này mà không cần giải phóng mặt bằng. Giải pháp hồ điều tiết rất phù hợp trong giai đoạn này”, ông Chín cho biết.

Không phát triển về phía biển, giảm nhanh khai thác nước ngầm

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các chuyên gia về giải pháp chống ngập, xử lý nước thải.

Phó Chủ tịch UBND TP - Trần Vĩnh Tuyến cũng nhìn nhận, nguyên nhân gây ngập do biến đổi khí hậu, do con người, hạ tầng xuống cấp, phát triển không đúng cũng gây ngập: Những nguyên nhân chậm thay đổi, nguyên nhân hạ tầng xuống cấp là chuyện bình thường, nhưng phát triển không đúng cũng gây ngập, phát triển về phía Nam, về phía biển thì cũng là nguyên nhân căn bản gây lún sụt. Vấn đề thứ hai, từ thực tiễn, TP.HCM là đô thị chưa bao giờ hoàn chỉnh, cần thay đổi quy hoạch, điều chỉnh lại quy hoạch thoát nước của TP và cần có bản đồ mô phỏng lại tình hình ngập của TP”. 

TP.HCM lắng nghe, tiếp thu và có chọn lựa trên cơ sở xác định từng nguyên nhân gây ngập ở của từng vị trí, khu vực. TP sẽ hình thành trung tâm điều hành, trung tâm mô phỏng chiến lược về mặt tổng thể, trong đó, sẽ giải quyết những câu chuyện riêng về ngập nước và kẹt xe./.

Bình luận