Sáng 18/10, Sở Giao thông Vận tải TPHCM phối hợp với trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) tổ chức Hội thảo về khung kiến trúc dữ liệu và hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giao thông vận tải TPHCM. Hội thảo quy tụ hơn 200 chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia.
TPHCM là đô thị lớn nhất cả nước, là đầu tàu kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ của khu vực. Điều này đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với hệ thống giao thông vận tải.
Để đáp ứng nhu cầu đó, việc xây dựng và phát triển một cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác, được cập nhật, bổ sung liên tục để phục vụ việc điều hành hệ thống giao thông đô thị thông minh, hiệu quả là vô cùng cần thiết.
Ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải TPHCM) cho biết, để thực hiện công tác giám sát và điều hành giao thông, TPHCM đã đầu tư hệ thống giao thông thông minh với hơn 1.000 camera giám sát giao thông, quan trắc lưu lượng phương tiện, 216 tủ tín hiệu giao thông, có cổng thông tin giao thông với 74 bảng thông tin giao thông cùng hệ thống kiểm soát tốc độ và tải trọng xe…
Đây là nguồn dữ liệu rất lớn phục vụ cho công tác quản lý và điều hành giúp cho giao thông trên địa bàn thành phố được thông suốt.
Theo ông Tấn, dựa trên cơ sở hiện trạng dữ liệu ngành giao thông hiện nay, nhìn chung có dữ liệu, nhưng việc khai thác, chọn lọc và chuẩn hóa dữ liệu vẫn chưa được tập trung phát triển.
Do đó, có một số vấn đề cấp thiết đặt ra nhằm xây dựng trung tâm dữ liệu ngành giao thông như: Công nghệ, khung kiến trúc tổng thể trung tâm dữ liệu theo kiến trúc hạ tầng số của Sở, đảm bảo phù hợp kiến trúc của Chính phủ điện tử và Bộ Giao thông Vận tải; Quy trình, mối quan hệ ràng buộc thông tin, phương thức chia sẻ dữ liệu quản lý các nghiệp vụ cơ bản trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Hướng dẫn kỹ thuật quy định cấu trúc thông tin, định dạng dữ liệu, giao thức chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống cơ sở dữ liệu...
“Đây là một thách thức rất lớn. Nếu không có một khung pháp lý, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể, cấu trúc thông tin, định dạng dữ liệu cụ thể thì việc xây dựng dữ liệu sẽ bị phân mảnh”, ông Tấn cho hay.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ Giao thông Vận tải), giao thông vận tải là một trong 8 lĩnh vực quan trọng ưu tiên chuyển đổi số của chương trình chuyển đổi số quốc gia. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng được thực hiện xuyên suốt thời gian qua.
Trong giai đoạn 2021-2025, phấn đấu xây dựng cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện và doanh nghiệp trong hoạt động giao thông vận tải tương ứng với 25 cơ sở dữ liệu.
“Hiện nay, đã cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu do trung ương quản lý 17/25 cơ sở dữ liệu. Còn 8 cơ sở dữ liệu còn lại đang tiếp tục thực hiện. Dự kiến đến trước tháng 6/2025 sẽ hoàn thành tất cả các cơ sở nền tảng dữ liệu dùng chung này.
Điều này mang lại lợi ích rất nhiều cho người dân và doanh nghiệp. Từ đó, cung cấp các dịch vụ công toàn trình cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính trên toàn quốc”, ông Tùng chia sẻ.
Đối với việc xây dựng khung kiến trúc dữ liệu và hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giao thông vận tải ở TPHCM, ông Tùng khuyến nghị, cần tuân thủ kiến trúc dữ liệu ngành, trong đó dữ liệu toàn quốc có tích hợp từ địa phương, kết nối dữ liệu dùng chung của Bộ Giao thông Vận tải để phục vụ nghiệp vụ tại địa phương.
Sau bước tạo lập, các dữ liệu phải được hình thành từ các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ nghiệp vụ quản lý. Dữ liệu hình thành đến đâu sử dụng đến đó, đẩy mạnh ứng dụng AI trong khai thác dữ liệu.
Theo ông Tùng, TPHCM cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải trong xây dựng: chiến lược tổng thể, kiến trúc tổng thể giao thông thông minh, phối hợp triển khai thí điểm sử dựng dữ liệu trong quản lý, điều hành giao thông (dữ liệu hệ thống cảng biển số; kết nối trung tâm điều hành giao thông đô thị với Hệ thống ITS cao tốc…).