Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp

(VOH) - Sáng nay 4/1, Thành ủy tổ chức hội nghị giao ban chuyên đề về kinh nghiệm trong giải quyết các vụ ngừng việc tập thể ở doanh nghiệp, các vụ gây mất an ninh trật tự, dưới sự chủ trì của bà Võ Thị Dung-Phó Bí thư Thành ủy.

Ông Lê Trọng Hiếu phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy cho biết: bằng nhiều giải pháp từ cơ sở số vụ đình công, ngưng việc tập thể giảm qua các năm, từ năm 2014 đến nay có 225 vụ việc đình công, ngưng việc tập thể, trong đó hơn 98% nguyên nhân từ tranh chấp trong quan hệ lao động.

Kinh nghiệm là thành phố chú trọng các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lao động gắn với tăng cường hoạt động của ban chỉ đạo thành phố, quận huyện, các đoàn công tác, tổ công tác trong vận động, giải thích, tổ chức đối thoại, trung gian hòa giải để nhanh chóng ổn định tình hình.

Đối với xử lý các vụ việc ngoài tranh chấp lao động thông thường là nắm chắc tình hình để đưa các giải pháp đúng, phù hợp nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, chú trọng huy động lực lượng chính trị để giải quyết các tình huống phức tạp.

Nói về kinh nghiệm giải quyết đình công, ngưng việc tập thể trong thời gian qua, ông Lê Trọng Hiếu cho rằng: “Kinh nghiệm đầu tiên có ý nghĩa quan trọng là sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của các cấp ủy Đảng từ việc nắm tình hình kịp thời đến chủ động tuyên truyền, huy động các lực lượng trong hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ theo chức năng đồng bộ, hiệu quả và linh hoạt, khéo léo”.

Chia sẻ trao đổi kinh nghiệm tại hội nghị, ông Kiều Ngọc Vũ - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP nêu: “Chủ động tổ chức đối thoại định kỳ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Thực tế tranh chấp lao động thường xảy ra trong doanh nghiệp không tổ chức gặp gỡ giữa lãnh đạo doanh nghiệp với người lao động, do vậy việc thiết lập kênh thông tin hai chiều thông qua đối thoại định kỳ sẽ giúp lãnh đạo doanh nghiệp hiểu tâm tư của người lao động, xây dựng chính sách đúng, quan tâm chăm lo cho nguồn lực của doanh nghiệp”.

Nâng cao chất lượng hoạt động của hòa giải viên là vấn đề quan trọng mà quận 7 đã thực hiện trong thời gian qua để giảm thiểu và hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tranh chấp lao động và đình công. Ông Hà Sơn - Phó Bí thư quận 7 cho biết: “Khi hòa giải viên, lực lượng nòng cốt nắm được thông tin báo cáo về, Quận chỉ đạo đoàn công tác gặp chủ doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn đề nghị những kiến nghị này đúng thỏa ước, đúng quy định thì yêu cầu doanh nghiệp phải giải quyết”.

Bà Võ Thị Dung, Phó bí thư Thành ủy phát biểu tại hội nghị

Phó Bí thư Thành ủy Võ Thị Dung nhận định: 5 năm gần đây số vụ lao động và số người tham gia đình công, ngừng việc tập thể đã giảm. Tuy nhiên, tình hình tranh chấp lao động, ngừng việc vẫn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp. Do đó, các cấp ủy cần tiếp tục quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Thành ủy về vấn đề này, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu phải nâng cao ý thức rà soát, bổ sung những vấn đề mới, đồng thời có kế hoạch chủ động xử lý, giải quyết các trường hợp cụ thể sát với yêu cầu thực tiễn tại đơn vị.

Đồng thời, chú trọng việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp là điều quan trọng cần thiết.

Bà Võ Thị Dung yêu cầu các đoàn thể, chính trị xã hội cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp hiệu quả với nhu cầu của doanh nghiệp và người lao động, đồng thời chủ động nắm tình hình dư luận trong công nhân, người lao động.

“Tôi đề nghị các đồng chí chú ý nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, trong việc tăng đề kháng cho Đảng viên, Đoàn viên, hội viên trước các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, ý thức cảnh giác việc tác động lôi kéo để tạo ra các sự kiện gây tình hình phức tạp trên địa bàn thành phố,làm sao trong giải quyết vụ việc khéo léo, làm cho tình huống không phức tạp thêm”.

Làm thế nào để hài hòa lợi ích của doanh nghiệp với tập thể người lao động, giữa giảm thiểu chi phí doanh nghiệp để thu hút đầu tư, giải quyết việc làm với yêu cầu bức thiết là không ngừng nâng cao đời sống công nhân lao động trong điều kiện năng suất lao động tổng hợp của nền kinh tế Việt Nam. Đây là yêu cầu và thách thức đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thời gian tới.