Tiêu điểm: Nhân Humanity

Xây dựng Nông thôn mới tại TPHCM: 10 năm nhìn lại

(VOH) – Sáng 12/5, Hội đồng nhân dân TP phối hợp cùng Đài Truyền hình TP tổ chức chương trình Lắng nghe và Trao đổi với chủ đề: Xây dựng Nông thôn mới – 10 năm nhìn lại.

Từ năm 2009, TPHCM chính thức triển khai Bộ tiêu chí về nông thôn mới. Mục tiêu cụ thể đề ra là, đến năm 2020 phấn đấu tất cả 56 xã và 5 huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần và thu nhập của người dân được nâng cao theo hướng bền vững.

Kết quả đạt được sau gần 10 năm thực hiện Bộ tiêu chí về Nông thôn mới đặc thù vùng nông thôn TPHCM khởi sắc, diện mạo nông thôn thành phố chuyển biến tích cực, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội, môi trường nông thôn; Chất lượng sống của người dân nông thôn ngày càng được nâng lên, phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP – nhấn mạnh về sự chuyển biến rất lớn trong huy động nguồn lực đầu tư với sự đóng góp chung sức phần lớn từ người dân và doanh nghiệp, ngân sách nhà nước chỉ đóng góp đầu tư khoảng 16%.

Ảnh minh họa

Phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới do Thành phố phát động trong thời gian qua đã thu hút sự tích cực tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân. Ông Vũ Hữu Minh, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TP, chia sẻ trong quý 1/2019 đã chung sức làm 2 tuyến đường 2 xã Đa Phước và Tân Quý Tây, ngoài ra Đảng ủy Khối cũng hướng đến tính chủ động, cùng với các xã rà soát lại các tiêu chí chưa đạt được về chuẩn nông thôn mới, hoặc đạt rồi nhưng cần đầu tư thêm thì Đảng ủy Khối cũng sẽ khảo sát để chủ động tham gia với mong muốn sự đóng góp của mình sẽ trực tiếp góp phần xây dựng Nông thôn mới bền vững.

Mới đây, Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố tổ chức đợt khảo sát quá trình triển khai thực hiện Nông thôn mới tại 5 huyện ngoại thành TP, bà Trương Lê Mỹ Ngọc,  Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố, trong chương trình đã có đề xuất kiến nghị TP nên có những chính sách cụ thể để giúp cho những hộ không có khả năng thoát nghèo giúp những hộ này tham gia vào mối liên kết sản xuất để theo mô hình hợp tác xã kiểu mới từ đó có điều kiện phát triển.

Đối với việc đáp ứng tiêu chí về giảm hộ nghèo tại 5 huyện của thành phố, ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố - cho biết phấn đấu đến cuối năm 2019, sẽ có thêm 6 xã của huyện Cần Giờ đạt tiêu chí này.

Về những giải pháp đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, khó khăn không có điều kiện thoát nghèo trong giai đoạn 2019 – 2020, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất UBND TP, UB MTTQ VN TPHCM điều chỉnh, nâng mức hỗ trợ lên từ 700 ngàn – 1 triệu 300 ngàn đồng/ 1 hộ. Và việc điều chỉnh này sẽ thực hiện từ tháng 7/2019.

Tại Chương trình, các đại biểu cũng đã trao đổi các giải pháp, những việc mà các sở, ban, ngành, các huyện, các xã, các đơn vị liên quan cần tập trung thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ và phấn đấu đạt bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo đặc thù vùng nông thôn thành phố trong giai đoạn nâng chất.

10 năm nhìn lại quá trình triển khai thực hiện xây dựng Nông thôn mới tại TPHCM cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị Thành phố, trong đó sự chủ động, tích cực vào cuộc của đông đảo người dân ở các huyện trên địa bàn thành phố giữ vai trò quyết định, cùng với những chính sách hỗ trợ thiết thực của Nhà nước. Trên hết, TPHCM đã quán triệt, lãnh đạo và chỉ đạo triển khai thực hiện hết sức quyết liệt, có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân khu vực ngoại thành TPHCM.

Bình luận