Xóa bỏ dịch HIV/AIDS dựa vào cộng đồng: Hiệu quả tới đâu?

(VOH) - Chiều 25/8, Trung tâm Nâng cao Chất lượng Cuộc sống (Trung tâm Life) đã phối hợp với cơ quan phát triển Quốc tế Hoa kỳ tổ chức Hội thảo "Đáp ứng dịch HIV/AIDS dựa vào cộng đồng: Nhìn lại và bước tiếp".

Nghe bài viết:

Như vậy, sau 2 năm, dự án tăng cường dựa vào cộng đồng đã có những đóng góp đáng kể cho cuộc chiến chống HIV tại Việt Nam. Cung cấp dịch vụ cho trên 18.000 nam quan hệ tình dục đồng giới và hơn 1.500 người sống chung với HIV. Đồng thời huy động các thành viên của các tổ chức trong nước áp dụng các cách tiếp cận sáng tạo và hiệu quả trong phát hiện ca nhiễm HIV mới cũng như kết nối các nhóm dân số có nguy cơ tới các dịch vụ chăm sóc y tế.

Các đại biểu tham gia hội thảo.

Anh Phạm Hồng Sơn – Nhóm G3VN một trong những nhóm dựa vào cộng đồng cho rằng: "Nhóm dễ bị tổn thương nhưng họ là người trong cuộc thì họ sẽ hiểu hết mọi vấn đề của cộng đồng. Khi viện trợ bị cắt giảm, những năm tiếp theo, cộng đồng có thêm nhiều chiến lược mang tính bền vững thì phải sử dụng nguồn lực từ cộng đồng, khi đó chúng ta sẽ giảm bớt lệ thuộc vào nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ".

Đánh giá về hiệu quả của dự án, Bác sĩ Hàng Thị Xuân Lan – Phó Giám đốc Trung tâm Life cho biết: sau 2 năm thực hiện, số lượng người nhiễm HIV giảm đáng kể, số người được đưa vào chương trình kết nối điều trị gần như 100%. Tuy nhiên điều khó khăn nhất chính là các tổ chức cộng đồng vẫn còn dựa vào nguồn kinh phí của nhà tài trợ. Cho nên, sắp tới đây nguồn tài trợ cắt giảm mạnh sẽ là một thách thức.  

"Nhận thấy vai trò của cộng đồng rất hiệu quả, cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tiếp tục một dự án tăng cường kết nối cộng đồng phòng chống HIV/AIDS và Trung tâm Life sẽ kết nối và thực hiện trong 5 năm từ 2016 – 2021. Giai đoạn này rất quan trọng để chúng ta tổng lực nhằm chấm dứt dịch HIV/AIDS". Bác sĩ Xuân Lan cho biết thêm.

Tính đến tháng 6/2016, Việt Nam ước tính có hơn 300.000 người nhiễm HIV còn sống. Số nhiễm HIV mới được phát hiện trong năm 2015 là 12.000 người, giảm gần 2/3 so với mức đỉnh điểm vụ dịch vào năm 2007. Tuy nhiên, chỉ có hơn 105.000 người nhiễm được điều trị ARV.

Theo ông Hoàng Đình Cảnh – Phó Cục trưởng - Cục Phòng Chống AIDS – Bộ Y tế cho biết, thời gian qua Việt Nam đã khống chế không để dịch HIV/AIDS gia tăng nhưng mới chỉ là giảm về xu hướng, trong khi lũy tích số người nhiễm HIV còn sống vẫn tiếp tục tăng cao cho nên có thể nói dịch HIV/AIDS vẫn là một trong những dịch bệnh nguy hiểm nhất đối với nhân loại và công tác phòng, chống HIV/AIDS luôn cần sự ưu tiên hàng đầu.

Ông Hoàng Đình Cảnh nhấn mạnh: "Chúng ta vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống AIDS, không chỉ theo chiều rộng mà phải hướng tới chiều sâu. Giải thích cho mọi người dân về khả năng lây truyền HIV. Đồng thời, cần phải rà soát lại và thay thế các thông điệp về truyền thông mang tính hù dọa gây nên sự phản cảm cũng như lo lắng của cộng đồng".

Vai trò cộng đồng rất cao trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Về hiệu quả của dự án, Giáo sư Chung Á – Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia Phòng chống AIDS Việt Nam, là thành viên Tổ chuyên gia của Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Phòng chống AIDS, khẳng định tầm quan trọng của việc phòng, chống dịch HIV phải dựa trên đặc thù của từng địa bàn và nhóm dân cư.

Điều này sẽ góp phần đưa các dịch vụ dự phòng HIV toàn diện, bao gồm các dịch vụ giảm hại, tới được với tất cả phụ nữ, trẻ gái vị thành niên và các nhóm có nguy cơ cao: "Ngay trong lúc ckhông có viện trợ thì vai trò cộng đồng càng cao hơn. Bởi phòng, chống AIDS không phải của riêng Chính phủ hay là người nhiễm HIV mà phòng chống AIDS là của tất cả mọi người".

Theo Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân – Chánh văn phòng – Trung tâm Phòng, chống AIDS TPHCM, thành phố hiện có hơn 100 mô hình câu lạc bộ, đội nhóm và đã góp phần giúp đỡ những người nhiễm HIV về mặt pháp lý, được tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm: "Các tổ chức xã hội ở thành phố rất năng động, điển hình qua hoạt động của các nhóm như là Life, VNP+ họ cũng đã huy động được các nguồn lực cũng như sự chung tay góp sức của các đồng đẳng viên, nhóm các tổ chức xã hội cùng góp phần vào công cuộc phòng chống HIV/AIDS của thành phố".

Để tiến tới xóa bỏ dịch HIV/AIDS dựa vào cộng đồng, cần đẩy mạnh công tác hỗ trợ, giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS, người nghiện ma túy, người đang hoạt động mại dâm và nam có quan hệ tình dục đồng giới... bằng nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả để giúp các đối tượng này xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.

Bên cạnh đó, cùng với những giải pháp trên thì chính những người nhiễm HIV/AIDS cũng phải tự vượt qua mặc cảm của mình, sẵn sàng công khai tình trạng nhiễm HIV cho người thân và cộng đồng; tích cực tham gia các hoạt động có ích để lấy được niềm tin cho bản thân và sự chia sẻ, thông cảm của những người xung quanh.