"Xử lý nghiêm mọi trường hợp lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm"

(VOH) - Đó là yêu cầu của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM.

Sáng 29/5, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã báo cáo về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố cũng như những giải pháp chống dịch trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, trong đợt dịch thứ 4, TPHCM ghi nhận 76 ca nhiễm trong cộng đồng, trong đó 1 trường hợp ghi nhận ngày 29/4/2021 liên quan đến ca nhiễm ở tỉnh Hà Nam và 75 trường hợp ghi nhận trên địa bàn từ ngày 18/5 đến nay với 4 chuỗi lây nhiễm (trong công ty quận 3; tại quán bánh canh ở quận 3; Hội thánh truyền giáo Phục Hưng và tại Bệnh viện Hoàn Mỹ). Ngay sau khi phát hiện, các lực lượng chức năng của Thành phố đã khẩn trương, thần tốc điều tra, truy vết đối với các chuỗi lây nhiễm, khoanh vùng phong tỏa phù hợp để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, mở rộng xét nghiệm tìm kiếm nguồn lây nhiễm xung quanh khu vực phong tỏa.

Ngành y tế TPHCM tổ chức lấy mẫu xét nghiệm diện rộng trên địa bàn quận Gò Vấp sau khi phát hiện các ca nghi nhiễm. Ảnh: VGP
Ngành y tế TPHCM tổ chức lấy mẫu xét nghiệm diện rộng trên địa bàn quận Gò Vấp sau khi phát hiện các ca nghi nhiễm. Ảnh: VGP

Về nguy cơ, theo ông Nguyễn Thành Phong, hiện trên địa bàn TPHCM đang lưu hành cả biến chủng virus SARS-CoV-2 từ Anh và Ấn Độ. Đáng lo ngại, ca bệnh đã xuất hiện rải rác tại hơn 50% quận, huyện, với đặc điểm chủng virus lây nhanh, mạnh nên nguy cơ dịch tiếp tục lây lan tại TPHCM là rất cao, thậm chí có thể lây lan đến các tỉnh thành lân cận.

Qua thực tế trên địa bàn, Chủ tịch UBND TPHCM đã đưa ra giải pháp để triển khai trong thời gian tới, theo đó, sẽ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống dịch. Thành phố giữ mức cảnh giác cao nhất với dịch bệnh, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch. Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm sẽ xử lý nghiêm.

Áp dụng các Bộ chỉ số an toàn phòng chống dịch của Thành phố và tổ chức hậu kiểm việc thực hiện, các đơn vị không bảo đảm an toàn sẽ đình chỉ hoạt động. Triển khai xét nghiệm sàng lọc chủ động với các đối tượng có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh, các nhà máy, chợ, siêu thị, cơ sở dịch vụ giải trí và các sự kiện tập trung đông người....

Để thực hiện thắng lợi công tác phòng, chống dịch, TPHCM kiến nghị 2 nội dung, trong bối cảnh phát hiện nhiều chuỗi lây nhiễm từ cộng đồng, đề xuất Chính phủ có chỉ đạo về biện pháp giám sát người đến từ những địa phương đang có nhiều ca bệnh trong cộng đồng để các địa phương kiểm soát chặt chẽ nguy cơ nguồn bệnh xâm nhập.

Đối với việc cung ứng vaccine, theo Chủ tịch UBND TPHCM, người trên 18 tuổi của TPHCM hiện là 7,2 triệu. Theo quy định tại Nghị quyết số 21 của Chính phủ do ngân sách hỗ trợ được TPHCM đăng ký nhận vaccine với Bộ Y tế là 1,6 triệu người. Như vậy, số người trong diện còn lại phải tiêm từ kinh phí do TPHCM bố trí gồm ngân sách, nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ,…khoảng 5,6 triệu người. TPHCM kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung vaccine (đàm phán, cấp phép) và cơ chế tài chính khi mua nhóm vaccine này.