Giải quyết khiếu kiện về đất đai ở ngoại thành TPHCM

(VOH) - Quá trình phát triển đô thị luôn phát sinh vấn đề liên quan đến công tác quản lý và quyền sử dụng đất đai. Tại TPHCM, trong khi khu vực nội thành chịu sức ép về giá đất thì khu vực ngoại thành, công tác giải phóng mặt bằng và các khiếu kiện về quyền sử dụng đất trở thành vấn đề nổi cộm.

Tại hội nghị giao ban chuyên đề giữa Thường trực Thành ủy TPHCM với thường trực quận uỷ, huyện ủy lần 4 vào tháng 10/2014, lãnh đạo nhiều địa phương đã thẳng thắn nhìn nhận tồn tại trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai và xây dựng. Quản lý đất đai, quy hoạch, giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề nóng mà đoàn ĐBQH, HĐND thành phố phải theo dõi, giám sát chặt chẽ, đặc biệt là khu vực 5 huyện ngoại thành.

Hạn chế khiếu kiện đất đai bằng nhiều giải pháp

Huyện Củ Chi với 106 dự án phát triển kinh tế-xã hội. Diện tích cần phải thu hồi lên đến 3.000ha, ảnh hưởng đến khoảng 10.000 hộ dân. Khó tránh khỏi việc trở thành địa bàn nóng với các khiếu kiện về đất đai. Sau nhiều nỗ lực của các cấp chính quyền, Củ Chi còn khoảng 300 hộ dân có khiếu nại vấn đề đất đai, đền bù, giải tỏa. Nguyên nhân do bà con chưa hiểu về pháp luật, đặc biệt qua 10 năm thực hiện theo nhiều Nghị định của Chính phủ tương ứng với từng giai đoạn, mức giá hỗ trợ đền bù khác nhau nên dẫn đến tình trạng so bì, khiếu nại. Thực tế giá bồi thường không theo kịp giá của thị trường làm phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong bộ phận dân cư có đất bị thu hồi. 

Thực tế, huyện Củ Chi tổ chức gặp mặt, đối thoại, đến từng nhà giải thích, giải quyết cho người dân. Cụ thể như dự án Thảo Cầm Viên Sài Gòn Safari nằm trên địa bàn 2 xã Phú Mỹ Hưng và An Nhơn Tây do chủ đầu tư chậm triển khai đã kéo dài 10 năm. UBND huyện chủ động tiếp xúc bà con và giải quyết từng trường hợp, nhờ vậy đến nay dự án đã được người dân đồng thuận, nhận tiền 97%, chỉ còn khoảng 20 hộ dân có khiếu nại.

Về lâu dài, để hạn chế khiếu nại đất đai, ông Lê Minh Tấn - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết sẽ chỉ đạo, phối hợp các chủ đầu tư sớm triển khai các dự án, thực hiện đúng cam kết của mình. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đền bù giải phóng mặt bằng của các dự án, huyện còn đề nghị các chủ đầu tư đặc biệt quan tâm tạo việc làm cho con em các các hộ gia đình bị mất đất.

Tại Cần Giờ, Đảng bộ, chính quyền huyện đang tập trung xử lý các “điểm nóng” gồm nhiệm vụ truy thu thuế do sai phạm từ năm 2006 ở Chi cục thuế huyện Cần Giờ đối với 600 hồ sơ; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng đối tượng và đặc biệt là những tồn tại về đất đai liên quan đến thực hiện Đề án di dời 1.280 hộ dân sống ven sông, ven biển và vùng trũng thấp.

Ảnh minh họa - Nguồn: aaphoto.

Tính đến tháng 9/2014, UBND huyện Bình Chánh tiếp nhận số lượng đơn khiếu nại liên quan đến đất đai tăng hơn 50% so với cùng kỳ. Theo đó, trong tổng số gần 270 đơn, ban ngành chức năng huyện đã giải quyết 122 trường hợp. Huyện Bình Chánh đang thực hiện 20 dự án có phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được phê duyệt trước ngày 01/7/2014. Tính đến tháng 10/2014, huyện còn khoảng 1.700 hộ chưa đồng ý nhận tiền đền bù trên tổng số hơn 2.500 hộ nằm trong diện chịu ảnh hưởng.

Ông Đoàn Nhật – Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết các đơn khiếu nại chủ yếu liên quan đến các dự án này nên điểm mấu chốt để tháo gỡ chính là bám sát và phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư: "Chúng tôi không cứng nhắc các biện pháp hành chính mà tiếp xúc làm việc với từng chủ đầu tư qua giao ban định kỳ. Nếu dự án lớn thì 2 tuần hoặc 1 tháng họp giao ban một lần, để nắm bắt và tháo gỡ các vướng mắc".

Phải quan tâm đến bức xúc của người dân

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu : "Đối với đất nông nghiệp cần thu hồi, phải thông báo trước 90 ngày, đối với đất phi nông nghiệp phải báo trước 180 ngày để người sử dụng đất chuẩn bị. Quá trình thu hồi đất, họ có quyền khiếu nại tố cáo. Trong thời hạn này họ có chuẩn bị, có cơ sở nhất định và phải công khai minh bạch, tạo điều kiện cho người dân có nơi ăn, chốn ở ổn định".

Liên quan đến vấn đề chủ đầu tư có dấu hiệu chậm trễ, ông Dư Huy Quang, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên & Môi trường TPHCM, nhấn mạnh: "Đã thực hiện thu hồi một số dự án chậm trễ không triển khai. Đối với dự án đang triển khai, có khả năng tiếp tục triển khai thì phối hợp địa phương tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp tục thực hiện. Đó là những giải pháp cơ bản trong thời gian qua".

Công tác giải quyết khiếu kiện về đất đai ở khu vực ngoại thành TPHCM vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn. Điểm tích cực hiện nay theo đánh giá của Ban Thường vụ Thành ủy là quan điểm “Tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát việc giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhất là việc giải quyết vấn đề bức xúc, nổi cộm”  của Đảng bộ - chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị chức năng. Điều này sẽ tạo ra nền tảng cần thiết để TP đối mặt hữu hiệu với vấn đề khiếu kiện đất đai ở nội thành lẫn ngoại thành hiện nay.

Ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Trung ương Đảng – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM khẳng định: "Nếu chúng ta thật lòng lo lắng cho dân, quan tâm đến những vấn đề bức xúc của người dân, chúng ta không sợ gì những ý kiến có vẻ khó nghe của bà con, mà coi những ý kiến đó như một lời nhắc nhở, một yêu cầu để chúng ta làm tốt hơn công việc của mình".

Một giải pháp tối ưu nhất để giải quyết tranh chấp đất đai là phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của chính quyền địa phương, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để phát sinh khiếu kiện tồn đọng, kéo dài. Điều này đòi hỏi không chỉ nỗ lực từ chính quyền địa phương mà phải có sự phối hợp đồng bộ của sở ngành chức năng theo quá trình giám sát chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời từ UBND TP.

Bình luận