Bóng đá Việt Nam phải thay đổi từ gốc

(VOH) - Bóng đá Việt Nam cần phải được cơ cấu lại toàn diện và thời điểm này chính là cơ hội tốt nhất. Đó chính là một trong những ý kiến nhận được nhiều sự đồng tình nhất tại Lễ tổng kết mùa giải 2013 và Hội thảo các giải bóng đá chuyên nghiệp, do Cty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF tổ chức hôm qua tại TPHCM.


Các trận đấu ở V-League chuyên môn không cao nhưng bạo lực lại nhiều. Ảnh minh họa.

Có một nét mới đáng ghi nhận ở mùa giải 2013 là VPF và Ban tổ chức giải bóng đá vô địch quốc gia V-League đã lướt nhanh những mặt làm được để xoáy sâu vào những vấn đề còn tồn đọng. Theo VPF, mùa giải 2013 diễn ra với nhiều khó khăn và sóng gió kể từ giai đoạn chuẩn bị bắt đầu cho đến cuối mùa giải. Trong khi giải hạng Nhất và Cúp quốc gia đã diễn ra an toàn và kết thúc đúng kế hoạch thì tại giải vô địch quốc gia, giải đấu luôn nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả, người hâm mộ và giới truyền thông - bên cạnh các kết quả khả quan về chuyên môn, đã để xảy ra những thiếu sót và sự cố khá nghiêm trọng. Những vấn đề như nghi vấn tiêu cực trọng tài, CLB bị kỷ luật trừ điểm, nhất là việc đội bóng Xuân Thành Sài Gòn bỏ giải đã gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến kết quả chung của cả mùa giải.

Ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai nói thẳng, không hiểu tại sao hội nghị tổng kết năm nào, công tác trọng tài vẫn luôn là đề tài bàn luận nhiều nhất. Phải thay đổi từ gốc, bắt đầu từ lực lượng trọng tài và phải làm quyết liệt thì bóng đá VN mới phát triển được. Theo ông Đức, không cần thiết phải nhờ đến công an, đâu cần phải hình sự hóa bóng đá, cái quan trọng là chúng ta có muốn làm hay không mà thôi.


Ông Lê Hùng Dũng, Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF thì cho rằng, mùa bóng 2014 là thời cơ thuận lợi để cơ cấu toàn bộ nền bóng đá VN, và phải làm một cách quyết tâm, không hô hào. Theo ông Dũng, không thể nói có tiêu cực là do trọng tài có trình độ nhận thức kém, Trọng tài dù có học vị tiến sỹ, nhưng nếu các đội bóng đưa cả 100 triệu đồng cho 90 phút thì ai mà chẳng nhận. Ông Dũng kêu gọi các ông chủ đội bóng đã đến lúc cần phải chấp nhận chơi với thực lực của mình, mạnh được yếu thua. Được vậy thì mới có khán giả. Muốn đưa nền bóng đá lên tầm cao mới, phải làm sao để các CLB sống được bằng nguồn thu bóng đá và phải thu hút được khán giả tới sân.

Một vấn đề được nêu ra thể hiện sự quyết tâm của VPF là các CLB phải có hồ sơ chứng minh năng lực tài chính đảm bảo mức chi tối thiểu của CLB trong mùa bóng (V-League là 35 tỷ, hạng Nhất là 20 tỷ). CLB nào không đáp ứng các yêu cầu tài chính thì phải chấp nhận rời cuộc chơi. Ông Phạm Ngọc Viễn, Tổng Giám đốc VPF khẳng định:


Chủ tịch HĐQT VPF, ông Võ Quốc Thắng cũng cho biết, kể từ mùa bóng năm sau, không cho phép sang nhượng, mua bán, thay đổi phiên hiệu các đội bóng và sẽ không để tái diễn việc các cá nhân hay doanh nghiệp bỏ tiền mua đội bóng, đổi tên tham gia giải, đến khi hết tiền thì nghỉ hoặc bỏ, bởi như vậy là tùy tiện và bất chấp.

Theo ông Thắng, làm bóng đá phải từ gốc mới tồn tại, mới có thể lấy bóng đá nuôi bóng đá. Điều hành bóng đá rất khó, khó hơn cả điều hành doanh nghiệp. VPF đã đang nỗ lực mang lại sự thay đổi cho bóng đá nước nhà, nhưng cần phải có thời gian và cần nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của người hâm mộ, giới truyền thông. Ông Thắng dẫn chứng, trước đây, các CLB phải tốn rất nhiều tiền cho công tác tổ chức trận đấu, lo cho trọng tài, giám sát, nhưng giờ các CLB chỉ lo cho đội bóng, còn những việc khác VPF đang cố gắng lo hết, như chào mời tài trợ, rồi chi tiền hỗ trợ đội bóng, tăng tiền thưởng...

VPF cũng yêu cầu các CLB chuyên nghiệp tham gia giải phải có ít nhất từ 2 đến 3 đội trẻ và đã nhận được sự nhất trí 100%. Vấn đề này không mới, song hiện đã được nhìn nhận một cách nghiêm túc và tầm quan trọng được đánh giá đúng mức. Vẫn còn phải chờ những thay đổi, nhưng một khi các đội bóng và lãnh đạo VFF, VPF cùng quyết tâm và cùng nhìn về một hướng, có thể hy vọng bóng đá nước nhà sẽ bước sang trang mới trong một tương lai gần.