Các Liên đoàn thể thao – Hiệu quả đến đâu?

(VOH) - Những Liên đoàn hoạt động thực sự được đánh giá là hiệu quả chưa đếm hết một bàn tay, còn lại đều hoạt động èo uột, hoặc cầm chừng, có nơi gần như không có hoạt động gì đáng kể…

Các Liên đoàn, hiệp hội thể thao là những tổ chức xã hội - nghề nghiệp có vai trò quan trọng và có nhiều đóng góp lớn với các nền thể thao chuyên nghiệp. Thể thao Việt Nam hiện có hàng chục liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia, từ thể thao thành tích cao đến thể thao cộng đồng. Hầu hết các môn, hoặc nhóm môn thể thao đều có Liên đoàn, Hiệp hội như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, quần vợt, cầu lông, cờ, xe đạp, điền kinh, thể thao dưới nước, thể thao người khuyết tật… Thế nhưng, trong số này, những Liên đoàn hoạt động thực sự được đánh giá là hiệu quả chưa đếm hết một bàn tay, còn lại đều hoạt động èo uột, hoặc cầm chừng, có nơi gần như không có hoạt động gì đáng kể…

Chưa phát huy hết vai trò, chức năng

Theo Tổng cục TDTT, các Liên đoàn - Hiệp hội thể thao quốc gia, đã góp một phần quan trọng trong việc phát triển các phong trào TDTT, đưa thể thao Việt Nam hội nhập quốc tế, đạt nhiều thành tích cao trên đấu trường thế giới, tổ chức thành công các sự kiện thể thao quốc tế lớn. Tuy nhiên, hoạt động của các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia hiện nay nhìn chung còn nhiều khó khăn, phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước. Các tổ chức xã hội nghề nghiệp này đa phần chưa phát huy hết vai trò, chức năng, đặc biệt là thể thao chuyên nghiệp.  

Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) được xem là hoạt động hiệu quả nhất nhưng VFF chưa bao giờ đáp ứng sự kỳ vọng của người hâm mộ (ảnh minh họa: VOV)

Có lẽ trong số các Liên đoàn thể thao quốc gia hiện nay, Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF được xem là hoạt động hiệu quả nhất, vận động được nguồn kinh phí dồi dào nhất. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi bóng đá là môn thể thao vua, luôn nhận được sự quan tâm của người hâm mộ. Nhưng khái niệm hiệu quả mới chỉ được nhìn nhận ở khía cạnh tài chính, còn thực tế, trong mắt người hâm mộ Việt Nam, VFF chưa bao giờ đáp ứng sự kỳ vọng. Đơn cử, giải vô địch quốc gia V-League từ vị trí hàng đầu Đông Nam Á, nhiều năm qua vẫn chuyên nghiệp nửa vời, bị Thái Lan hay Singapore bỏ xa. Công tác đào tạo trẻ thiếu hiệu quả, chủ yếu là các CLB tự thân vận động, vai trò của VFF rất mờ nhạt…và còn rất nhiều những điểm trừ khác. “Dù Liên đoàn bóng đá VN kiếm được tiền nhiều hơn các Liên đoàn khác, đó là do bóng đá là môn thể thao vua, thu hút được cổ động viên. Một tổ chức xã hội nghề nghiệp như VFF chưa giúp bóng đá phát huy những hình ảnh đẹp, chưa phát huy nội lực, quên mất những trận cầu hay, đẹp. Những năm gần đây bóng đá đã thụt lùi”, ông Trần Song Hải, Hội cổ động viên Việt Nam nhận xét.

Hay như ở môn quần vợt. Dù là môn thể thao rất được yêu thích, là tiền đề tốt để Liên đoàn quần vợt Việt Nam đẩy mạnh phong trào, kêu gọi tài trợ, thế nhưng nhắc đến Liên đoàn quần vợt Việt Nam, người ta chỉ nói nhiều đến những mâu thuẫn, đấu đá nội bộ trong đội tuyển diễn ra thường xuyên - hơn là nhắc về thành tích.

Những gương mặt nổi bật của quần vợt Việt Nam hiện tại như Lý Hoàng Nam, Nguyễn Hoàng Thiên, Huỳnh Phương Đài Trang chủ yếu được đầu tư từ gia đình hay CLB, chứ tuyệt nhiên không thấy vai trò của Liên đoàn quần vợt Việt Nam. Thậm chí, Liên đoàn quần vợt Việt Nam từng gây tranh cãi gay gắt khi cấm tay vợt Lý Hoàng Nam lên tuyển quốc gia…mãi gần đây, khi Lý Hoàng Nam liên tục gặt hái những chiến tích vang dội, Liên đoàn quần vợt Việt Nam mới tuyên bố sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho anh tập luyện và thi đấu.

Trong khi đó, hoạt động của Liên đoàn Bóng bàn (LĐBB) VN còn thất vọng hơn bởi thành tích bóng bàn tuột dốc, từ vị trí hàng đầu Đông Nam Á cả chục năm trước, giờ kiếm một HCV SEA Games đã là niềm mơ ước. Kinh phí không, lực lượng VĐV trẻ thiếu hụt, Liên đoàn còn để xảy ra kiện cáo liên tục trong việc chọn VĐV lên đội tuyển, chưa kể tình trạng VĐV đánh nhau cả khi đang dự giải quốc tế…“Liên đoàn bóng bàn tôi từng rất yêu mến và gắn bó, nhưng có thể nói LĐBB tệ hại nhất trong các môn bóng. VĐV thi đấu nước ngoài tốn tiền nhà nước nhưng nhìn lịch không biết, phải bỏ về, rồi đấm nhau chảy máu mũi ở nước ngoài. Dù vừa rồi chúng ta có HCB SEA Games, nhưng đó là may mắn khi SEA Games ngoài Thái Lan, Singapore thì không có nước nào quan tâm bóng bàn”, Nhà báo thể thao kỳ cựu Nguyễn Lưu thất vọng.

Riêng môn bóng chuyền, hầu hết các hoạt động do Liên đoàn bóng chuyền (LĐBC) Việt Nam phối hợp tổ chức đều thu hút đông khán giả, nhưng hoạt động Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam vẫn có vấn đề khi hàng loạt CLB bóng chuyền danh tiếng giải thể, nhiệm kỳ vừa qua dù đã kéo dài đến 7 năm vẫn chưa tổ chức Đại hội, với lý do không tìm được ai ngồi vào ghế chủ tịch Liên đoàn. Chủ tịch đương nhiệm Lê Minh Hồng và Tổng thư ký Trần Đức Phấn thì xin rút lui từ năm 2012, có điều không tìm được ai thay thế đành tiếp tục đảm nhận cương vị trong thế bất đắc dĩ.

“Trong thực tế khi làm Tổng thư ký mình đã nhiều lần xin rút lui, nhường chỗ cho những người làm chuyên môn, điều hành trực tiếp thì mới giải quyết được công việc. Mình gánh vác nhiệm vụ rất vất vả khi phải kiêm nhiệm. LĐBC có đặc thù hoạt động khá đều tay, hoạt động chuyên nghiệp hơn nhiều Liên đoàn khác nên công việc nhiều. Tôi ứng cử chức danh chủ tịch chỉ là giải pháp vì không có người. Thật ra không thiếu những người thích vị trí chủ tịch, nhưng lại không đủ khả năng lẫn uy tín để giúp Liên đoàn hoạt động hiệu quả”, Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam Trần Đức Phấn, cũng là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho hay. 

Thiếu nhân sự, kinh phí...

Có kinh phí rủng rỉnh như bóng đá, bóng chuyền, quần vợt, mà các Liên đoàn còn chưa phát huy hết vai trò, chức năng nhiệm vụ, có lẽ không nói cũng hiểu các Liên đoàn, Hiệp hội có kinh phí hạn hẹp đã và đang hoạt động ra sao. “Hiện nay Liên đoàn thể thao quốc gia chưa phát huy hết những điều luật cho phép. Có những điều kiện khách quan như không có cơ sở vật chất, con người thì vẫn sử dụng đội ngũ của nhà nước vì không có những anh em này Liên đoàn cũng khó hoạt động. Liên đoàn ổn nhất vẫn là LĐBĐ, vì có những điều kiện tốt, còn các LĐ khác còn tùy mức độ”, ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao TPHCM nhận định.

Câu nói kinh phí là vấn đề đầu tiên các Liên đoàn, Hiệp hội thường lên tiếng khi kể khó, kể khổ. GS-TS Dương Nghiệp Chí, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội thể thao điện tử và giải trí VN, nhìn nhận: “Hiệu quả hoạt động các Liên đoàn nói chung anh em trong ngành nhận xét là còn rất hạn chế. Nhiều vấn đề lắm. Số rất ít Hiệp hội có tài trợ, quảng cáo kiếm tiền như bóng đá, bóng chuyền. Chưa 1 CLB nào của bóng đá bóng chuyền tự nuôi sống mình được. Chưa hòa vốn. Nền kinh tế nước mình cũng còn khó khăn, các hoạt động tài trợ còn yếu, xã hội hóa chỉ có hiệu quả phạm vi hẹp”.

Ngay như Liên đoàn Cờ Việt Nam, hoạt động cũng gặp nhiều khó khăn, dù rằng môn thể thao này có độ phổ biến rộng khắp, đoạt rất nhiều thành tích quốc tế trong thời gian qua. Nhất là cờ vua, VN tỏ ra vượt trội ở khu vực Đông Nam Á, có nhiều nhà vô địch châu lục, thế giới như Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Nguyễn Anh Khôi… ông Đặng Tất Thắng, Phó Chủ tịch Liên đoàn cờ VN cho biết: “Hoạt động của Liên đoàn Cờ thì cũng đóng góp tích cực cho sự phát triển cờ cùng với ngành thể thao, giúp phong trào rộng khắp, tổ chức các hoạt động thi đấu về cờ, thi đấu đỉnh cao. Môn cờ này thì các kỳ thủ việc cọ xát quốc tế cũng còn hạn chế, kinh phí thấp, tài trợ chưa nhiều. Kinh phí chủ yếu dựa vào nguồn thu lệ phí ở các giải do Liên đoàn cờ đứng ra tổ chức, tạm đủ cho duy trì hoạt động văn phòng thôi”.

Dàn hàng ngang mà tiến, nhìn nhau mà làm là nhận định của nhiều nhà quản lý thể thao về hoạt động của các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia hiện nay. Bên cạnh những vấn đề về nhân sự, đội ngũ, kinh phí, còn có một thực tế là các Liên đoàn và bộ môn quản lý của Tổng cục TDTT thường dẫm chân nhau, kiêm nhiệm nhiều, khiến hoạt động trì trệ. Hoạt động cầm chừng, thiếu hiệu quả là điều dễ hiểu khi một số liên đoàn không cách nào thu hút những người có uy tín xã hội tham gia vào các tổ chức này. Và như thế, bài toán phát huy hiệu quả, loay hoay mãi vẫn chưa tìm ra lời giải để phát huy tiềm năng và thế mạnh của các liên đoàn thể thao vẫn mãi ở trong cái vòng luẩn quẩn. Chính thực trạng này đã lý giải vì sao thể thao Việt Nam sau nhiều năm vẫn chưa thể mạnh lên.

 

Ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT: Các liên đoàn sẽ chuyển hướng chuyên nghiệp

Tổng cục Trưởng Tổng cục TDTT - Ông Vương Bích Thắng. Ảnh: Bongdaplus

Thể thao Việt Nam hiện có hàng chục liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia, từ thể thao thành tích cao đến thể thao cộng đồng. Thế nhưng, trong số này, những Liên đoàn hoạt động thực sự được đánh giá là hiệu quả chưa đếm hết trên đầu ngón tay, còn lại đều hoạt động èo uột, hoặc cầm chừng, có nơi gần như không có hoạt động gì đáng kể… Phóng viên VOH đã phỏng vấn với ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục thể dục thể thao về thực tế đã nêu, cũng như tìm giải pháp để các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao, những tổ chức xã hội nghề nghiệp có thể hoạt động hiệu quả hơn, từ góc nhìn quản lý nhà nước.