Định hướng cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam

(VOH) - Hôm qua, 15/9, Báo Pháp Luật TP.HCM đã tổ chức buổi đối thoại với các khách mời: ông Lê Hùng Dũng (Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam-VFF, Chủ tịch HĐQT Eximbank), ông Đoàn Nguyên Đức (Hoàng Anh Gia Lai), ông Nguyễn Đức Kiên (Hà Nội ACB), ông Võ Quốc Thắng (ĐT Long An) và ông Lê Tiến Anh (Khatoco Khánh Hòa) nói về doanh nghiệp làm bóng đá và hướng đi cho bóng đá Việt Nam
Bầu Đức cũng rất bức xúc với cơ chế của VFF.

Theo ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai, cách đây 5 năm, bóng đá Thái Lan thua VN, nhưng hiện nay chúng ta thua họ rất xa. Ông Đức khẳng định, lỗi này là của Liên đoàn bóng đá VN VFF. Các doanh nghiệp đầu tư mỗi năm hàng chục tỷ đồng, tính ra mỗi trận 3 đến 4 tỷ đồng, nhưng khi vào sân lại rất sợ các trọng tài. Điều này rất không bình thường. Ông Đức nhấn mạnh: "Một ông chủ tịch như tui bỏ ra 1 năm 60 -70 tỷ đồng, gặp trọng tài sợ nhất. Điều này Chủ tịch hội đồng trọng tài và mọi người ai cũng biết mà tại sao không thể xử lý được chuyện đó? Bây giờ thử hỏi lỗi này của ai? Lỗi này là ở Liên đoàn bóng đá, mà Liên đoàn bóng đá là ai, là ông chủ giải. Cá nhân tôi đề nghị phải cải tổ ngay Trưởng BTC giải, cải tổ ngay lực lượng trọng tài, đồng thời phải có những biện pháp chế tài cực mạnh chứ không thể là treo còi 2 trận rồi cho trở lại thì cũng thế thôi. Liên đoàn cũng  nên cải tiến lại những quy chế, quy định lâu nay đã lỗi thời rồi"...

Ông Đức nói thẳng, như nạn bạo lực sân cỏ, nếu trọng tài mạnh tay, BTC cương quyết, chắc chắn các cầu thủ không dám đá rắn quá mức cần thiết. Nhưng rõ ràng là trọng tài và BTC giải nhẹ tay nên dung dưỡng cho vấn nạn này. Thêm vào đó, thị trường cầu thủ Việt Nam hiện nay rất hỗn loạn, giá trị cầu thủ bị đẩy lên quá cao. Cầu thủ yêu sách đủ trò, không treo thưởng cao không đá. Ông Đức đặt vấn đề, cầu thủ muốn đi không chịu đá, tại sao chúng ta không thể chế tài? Những vấn đề như thế nếu không cải thiện được thì bóng đá VN rất khó phát triển. Ông Đức cũng cho rằng cần phải thay Trưởng ban tổ chức, lực lượng trọng tài và phải nên mạnh dạn thay thế những người quản lý yếu. Chính vì BTC giải V- League quá yếu nên giải mới ít khán giả. Theo ông Đức, vấn đề là VFF có dám nhìn nhận sai sót, có dám cải tổ hay không.

Ông Lê Hùng Dũng, Phó chủ tịch VFF, Chủ tịch HĐQT Eximbank nhìn nhận, giá trị cầu thủ đã vượt xa giá trị thực. Đây là thực trạng đáng báo động. Có một cuộc đua tranh giá trị cầu thủ của các câu lạc bộ dẫn đến trào lưu cầu thủ chạy theo đồng tiền, đá bóng vì tiền. Nhưng ông Dũng cũng đặt vấn đề trách nhiệm này là do ai và các ông bầu hãy tự trả lời. Không thể là VFF, bởi VFF chỉ cố gắng tạo ra sân chơi bình đẳng. VFF không cấm định giá cầu thủ, đó là quyền của các ông chủ câu lạc bộ. VFF cũng có trách nhiệm nhưng quyền và tiền của các ông chủ câu lạc bộ, VFF không thể quản lý.

Riêng vấn đề trọng tài, theo ông Lê Hùng Dũng, nếu trọng tài không theo kịp trận đấu do trình độ hạn chế thì tạm chấp nhận được, bởi đó là câu chuyện muôn thưở của bóng đá, nhưng lỗi cố ý dùng quyền lực để thu lợi bất chính, làm sai lệch kết quả trận đấu thì phải trị thẳng tay. Ông Dũng khẳng định, mùa tới VFF sẽ còn làm mạnh tay hơn nữa. "Lỗi cố ý dùng quyền lực của mình để thu lợi bất chính, dìm đội này nâng đội khác lên, làm sai lệch kết quả chuyên môn của trận đấu cần phải trị đến nơi. Tôi cũng đã đề nghị loại khỏi đời sống bóng đá Việt Nam vĩnh viễn đối với 2 trọng tài đó (trọng tài Nguyễn Văn Quyết  và trọng tài Trần Công Trọng - PV) là một thái độ kiên quyết được thường trực rất tán thành. Nhiều người cũng gọi điện và hỏi tôi, anh phát biểu như thế có quá nặng với 2 trọng tài không? Tôi nói  rằng, trong lúc công tác trọng tài có nhiều khuyết điểm và yếu kém như thế, tuy 182 trận đấu trong một mùa giải nhưng chỉ với vài trần sai sót, thế nhưng, vài trận đó lại có tính chất quyết định số mạng của người khác. Tôi nghĩ rằng, mùa giải tới chúng tôi sẽ làm mạnh hơn vấn đề này".

 Bầu Kiên trong buổi tọa đàm.

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch Hà Nội ACB kiến nghị, chuyện tiền thưởng cần có quy định rõ ràng và cần công khai khi bắt đầu vào giải, chứ không thể trước trận đấu đem cọc tiền đến tuyên bố nếu thắng sẽ thưởng 2, 3 tỷ đồng như hiện nay. "Các anh nói rằng thưởng tiền là đúng, nhưng tôi nghĩ rằng nếu thế thì anh phải công bố ngay từ khi mùa giải bắt đầu. Một trận thắng được cho bao nhiêu, vô địch bao nhiêu, nhất - nhì bao nhiêu. Như các CLB quốc gia đi đá các giải vô địch thế giới, LĐBĐ công bố rất rõ nếu như CLB vào đến vòng 2, 3, tứ kết, bán kết, chung kết đội sẽ được nhận bao nhiêu tiền, mỗi thành viên được bao nhiêu tiền... chứ không phải trước trận đấu người ta đem cọc tiền tới rồi "nói mày đá tốt đi, trận này được thưởng 1,2 tỷ". Tôi nghĩ đó là hành vi không tốt và LĐBĐ cần phải cấm chuyện đó đó xảy ra. Bỡi chính sách là do LĐ hoàn toàn có thể đưa ra. Tôi cũng không phản đối chuyện thưởng, nhưng thưởng phải được công bố công khai. Tôi nghĩ LĐBĐ cần đưa ra các quy chế kiểm soát tài chính của các CLB chứ làm sao có kiểu chi vô tội vạ như vậy được".

Cũng theo ông Kiên, các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư nhiều tiền hơn cho bóng đá nhưng với một môi trường bóng đá sạch, chứ còn quá nhiều khuất tất như hiện tại thì rất khó kêu gọi đầu tư.

Còn ông Lê Tiến Anh, Chủ tịch Khatoco Khánh Hòa thì nhận xét, phê phán trọng tài, phê phán BTC là đúng, song chưa đủ. Nếu BTC sai, thay BTC, trọng tài sai, thay trọng tài nhưng không nói đến cái sai của hệ thống VFF thì không thay đổi được. Phải làm sao để các doanh nghiệp cảm thấy an tâm đầu tư vào bóng đá. Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch CLB Đồng Tâm Long An nhận định, bóng đá càng ngày càng đi xuống, nhưng tiền đầu tư hàng năm cứ tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba, gấp bốn. Đặc biệt có đội đầu tư hơn trăm tỷ mỗi năm. Bóng đá không sinh lợi là không có chiều hướng tốt. Bóng đá là phải trong sạch, nhưng ông Thắng nhấn mạnh, CLB nào càng trong sạch càng bị ép. Với rất nhiều những tồn tại, từ công tác trọng tài đến công tác tổ chức, ông Thắng cho rằng, quy chế, điều lệ chúng ta tạo ra thì chúng ta có thể sửa sao cho phù hợp. Tất cả các bên, VFF, các CLB phải cùng ngồi lại với nhau vì mục tiêu chung thì bóng đá VN mới có thể phát triển được.

Ông Lê Hùng Dũng cho biết, sẽ báo cáo lại với thường trực VFF những ý kiến tâm huyết này và sớm có cuộc họp với sự tham gia của các câu lạc bộ V-League, nhằm tìm hướng đi mới cho bóng đá Việt Nam. Ông Dũng khẳng định, với những động thái quyết liệt của VFF, mùa bóng tới sẽ hạn chế tiêu cực. Bên cạnh đó, ông Dũng cũng đề nghị các ông bầu cũng phải ngồi lại với nhau cam kết chơi sạch, không giá - và như vậy bóng đá chuyên nghiệp VN mới có thể vững bước đi lên.