Khai thác thương hiệu tài năng thể thao

(VOH) - Việc các tài năng thể thao được nhận tài trợ, khai thác thương hiệu tuy rằng chỉ mới giới hạn ở những VĐV thành tích cao, đạo đức tốt, nhưng đã tạo hiệu ứng tích cực giúp các VĐV có thêm nguồn thu, ‎tập trung hơn trong việc giữ hình ảnh, phong độ.

Thương hiệu cá nhân của các tài năng thể thao Việt Nam được chú ý

Những rắc rối xung quanh việc quảng cáo bia của tiền đạo Công Phượng mới đây đã được các bên liên quan xử lí khéo léo và êm đẹp. Thuần túy xét ở góc độ makerting, cái tên Công Phượng nói riêng và đội U19 Hoàng Anh Gia Lai nói chung gần 2 năm qua nổi lên như một hiện tượng của bóng đá Việt Nam, đã được khai thác rất hiệu quả. 

Tần suất xuất hiện dày đặc trên truyền thông, thu hút sự quan tâm đặc biệt của người hâm mộ… kéo theo nhiều doanh nghiệp tranh nhau tài trợ, đã khiến những cái tên liên quan đến đội bóng U19 lúc nào cũng nóng hổi.

Đó là môn thể thao vua, còn ở các môn thể thao khác, dù chưa nhiều, song thương hiệu cá nhân của các tài năng thể thao Việt Nam ngày càng được nhìn nhận và trân trọng.

Một trong những VĐV khai thác hình ảnh, tên tuổi hiệu quả nhất hiện nay là tay vợt cầu lông số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh. Hiện tại anh nhận nhiều hợp đồng quảng cáo, tài trợ như được Victor, Yonex tài trợ trang phục thi đấu, được chọn làm người đại diện cho một hãng điện thoại của Trung Quốc. Đặc biệt, nhiều năm qua Nguyễn Tiến Minh nhận được sự tài trợ tiền, hỗ trợ kinh phí thi đấu hàng năm từ Becamex, Kawasaki với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

VĐV Nguyễn Tiến Minh - Ảnh: Thethao247.

Đương nhiên, số tiền nhiều hay ít còn phụ thuộc vào thành tích của Tiến Minh, nhưng khi anh còn xếp trong top 10 thế giới, riêng số tiền mà tay vợt này nhận từ nhà tài trợ Becamex không dưới 50 triệu đồng/tháng. Đây cũng là sự tưởng thưởng xứng đáng cho tay vợt đẳng cấp thế giới này, một tài năng hiếm có của cầu lông Việt Nam.

Một VĐV thể thao khác là tay đua xe đạp, tuyển thủ quốc gia Mai Nguyễn Hưng đã trở thành đại sứ cho hãng xe đạp nổi tiếng Specialized của Mỹ, được trang thiết bị dụng cụ tập luyện mỗi năm lên tới 20.000 USD. Mai Nguyễn Hưng cho biết: Ở môn xe đạp, kinh phí cho trang thiết bị tập luyện hàng năm rất lớn, vì vậy, hợp đồng tài trợ này thật sự rất có ý nghĩa với anh. "Đối với bộ môn xe đạp, trang thiết bị thi đấu chiếm chi phí rất lớn, hợp đồng này cũng hỗ trợ phần nào cho bản thân và Xe đạp thành phố, vì vậy em cũng luôn phải cố gắng phấn đấu để xứng đáng với điều đó", Mai Nguyễn Hưng chia sẻ.

Liên đoàn cờ Việt Nam trước đây cũng từng vận động được khoản kinh phí khá lớn để tài trợ cho hai kỳ thủ hàng đầu Việt Nam là Lê Quang Liêm và Nguyễn Ngọc Trường Sơn đi thi đấu quốc tế. Và có thể nói, hai tên tuổi hàng đầu của làng cờ Việt Nam những năm qua mang về cho cờ vua nước nhà những chiến tích vang dội tầm quốc tế.

Nhiều khả năng lực sĩ Thạch Kim Tuấn năm nay sẽ có nhà tài trợ riêng - một hãng dược phẩm đến từ Hungary. Nhà tài trợ sẽ cung cấp nguồn thuốc bổ, thuốc dinh dưỡng và có thể thêm một phần kinh phí hỗ trợ anh đi tập huấn và thi đấu quốc tế. Việc có nhà tài trợ riêng sẽ giúp nhiều cho Kim Tuấn trong việc hồi phục thể lực và tăng cường khả năng vận động, sức mạnh. Một điều đáng lưu tâm nữa là, khi sử dụng các sản phẩm theo đúng cách và khoa học, sẽ tránh được những nguy cơ dính doping mà nhiều VĐV môn cử tạ thường gặp.

Ở môn điền kinh, “Nữ hoàng chân đất” Phạm Thị Bình sau khi giành HCV marathon Sea Games 27 đã được hãng nước giải khát Thạch Bích của Quảng Ngãi chọn làm đại sứ thương hiệu. Hợp đồng của cô bắt đầu từ tháng 3/2014, ngoài việc được tài trợ kinh phí, dụng cụ tập luyện, nước uống, cô cũng nhận khoản thù lao giá trị...Phạm Thị Bình chia sẻ, đây là niềm tự hào, bởi cô hiểu, được chọn làm đại sứ cho thương hiệu tại quê nhà chính là sự ghi nhận những nỗ lực của mình nhiều năm qua. Vui hơn nữa là mỗi khi thi đấu, cô đều nhận được sự động viên rất lớn như người nhà từ các nhân viên của công ty mà cô làm đại diện.

Nhà vô địch thế giới Châu Tuyết Vân là một trong những võ sĩ nổi tiếng nhất của Việt Nam hiện nay. Cô xây dựng thương hiệu thành công, được đông đảo mọi người biết đến với tư cách là VĐV trẻ, tài năng, xinh đẹp, dễ mến. Thế nên, các thương hiệu lớn không bỏ qua cơ hội khai thác hình ảnh Châu Tuyết Vân để quảng cáo. Cách đây chưa lâu, Châu Tuyết Vân cùng VĐV điền kinh Vũ Thị Hương, Nguyễn Văn Lai, kình ngư Hoàng Quý Phước và võ sĩ wushu Dương Thúy Vi đã được một hãng xe máy của Nhật chọn làm nhân vật trong chiến dịch quảng bá thương hiệu.

VĐV Châu Tuyết Vân - Ảnh: ThethaoHCM.

Được đánh giá cao thì càng phải giữ hình ảnh

Trên sàn đấu ai cũng mạnh mẽ, nhưng Châu Tuyết Vân cũng như các VĐV khác tỏ ra khá ngượng ngùng khi đóng quảng cáo. Tuy nhiên, với các VĐV, ai cũng xem đây là trải nghiệm mới mẻ, từ đó giúp họ có ý thức hơn trong việc giữ gìn phong độ, hình ảnh đẹp trong mắt công chúng.

Tay đua Mai Nguyễn Hưng cũng ý thức rõ, tên tuổi mình được đánh giá cao nên càng phải giữ gìn hình ảnh, đạo đức nghề nghiệp, bởi có như vậy thì việc tài trợ mới có thể kéo dài: "Với em, thành tích thì cũng cần nhưng quan trọng hơn là cần phải giữ được hình ảnh: không để xảy ra tai tiếng, sự cố gây ảnh hưởng đến thương hiệu nhà tài trợ".

Một điểm hấp dẫn khác của việc quảng cáo là thù lao khá cao, giúp VĐV cải thiện thu nhập đáng kể. VĐV Phạm Thị Bình thẳng thắn nhìn nhận: "Các VĐV khi có thành tích cao mới có được thu nhập ổn định. Nhờ vào các hợp đồng quảng bá hình ảnh, thương hiệu mới có thể giúp trang trải được cho cuộc sống, cũng như phụ giúp gia đình".

 

Dù chưa nhiều và chưa thật phổ biến, nhưng rõ ràng, thương hiệu cá nhân của các tài năng thể thao Việt Nam được chú ý đã thể hiện các tài năng này ngày càng được nhìn nhận và trân trọng. Tuy nhiên, để các thương hiệu cá nhân của các VĐV đỉnh cao được khai thác hiệu quả hơn, ông Dương Nghiệp Chí, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học TDTT cho rằng không dễ: "Theo tôi vấn đề này hiện nay là khó, do chúng ta chưa là VĐV chuyên nghiệp - nhà nghề do gần một nửa số VĐV hiện nay thuộc Nhà nước quản lý, chưa có cơ chế cụ thể để mở rộng thị trường tài chính, tăng thu nhập cho VĐV. Khai thác hình ảnh thông qua tài trợ với những VĐV có trình độ cao ở các nước đều có, khi tài trợ phải được sự hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước. Riêng ở nước ta chưa có chính sách cụ thể về vấn đề này".

Nhà nước quan tâm nhiều hơn và có những chính sách phù hợp

Theo Ông Mai Bá Hùng, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM, ở Việt Nam, các VĐV chủ yếu do Nhà nước quản lý, đào tạo, vì thế, việc tài trợ quảng cáo phải có sự phối hợp giữa các bên liên quan.

Trước đây lãnh đạo ngành thể thao từng giải quyết vướng mắc xung quanh chuyện VĐV cầu lông nhận tài trợ cá nhân, mâu thuẫn với lợi ích của nhà tài trợ Liên đoàn. Tương tự, như vụ việc tiền đạo Công Phượng sử dụng hình ảnh đội tuyển quốc gia quảng cáo vừa rồi bị tuýt còi. Vì thế, theo ông Hùng, Nhà nước cần có sự quan tâm nhiều hơn và có những chính sách phù hợp. Đây sẽ là xu hướng phát triển trong tương lai, bởi trên thế giới việc này rất phổ biến.

Có thể nói, việc các tài năng thể thao được nhận tài trợ, khai thác thương hiệu tuy rằng chỉ mới giới hạn ở những VĐV thành tích cao, đạo đức tốt, nhưng đã tạo hiệu ứng tích cực giúp các VĐV có thêm nguồn thu, ‎tập trung hơn trong việc giữ hình ảnh, phong độ. Và chính điều này cũng là động lực giúp các VĐV trẻ khác phấn đấu vươn lên.