Chờ...

Trào lưu "lướt tàu điện ngầm" cướp đi sinh mạng của 6 thiếu niên tại New York

VOH - Một bé gái 13 tuổi vừa qua đời trong khi tham gia "lướt tàu điện ngầm" - trào lưu nguy hiểm đang lan tràn trên mạng xã hội, khiến ít nhất 6 người thiệt mạng chỉ riêng trong năm nay.

"Lướt tàu điện ngầm" (subway surfing) là trào lưu mạo hiểm, trong đó người tham gia đứng hoặc ngồi trên nóc tàu điện ngầm khi tàu đang di chuyển. Bất chấp những rủi ro đe dọa đến tính mạng, thử thách này đã và đang trở nên phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội, nơi nhiều video mô tả cảnh các thiếu niên thực hiện hành động liều lĩnh này được lan truyền, kêu gọi những người trẻ thử sức.

luot tau_voh
Thử thách lướt tàu điện ngầm lan truyền trên mạng xã hội.

Theo Sở Cảnh sát New York, từ đầu năm đến ngày 27/10, thành phố đã ghi nhận 6 trường hợp tử vong và 181 vụ bắt giữ liên quan đến "lướt tàu điện ngầm" – cao hơn so với con số 5 người chết và 118 trường hợp bắt giữ của cả năm ngoái.

Trong vụ việc thương tâm gần đây nhất, hai bé gái 12 và 13 tuổi đã chạy trên nóc một toa tàu điện ngầm đang di chuyển tại quận Queens, New York. Do mất thăng bằng, cả hai ngã xuống, khiến bé gái 13 tuổi tử vong và bé gái 12 tuổi bị thương nặng ở đầu. Trước đó vài ngày, một cậu bé 13 tuổi khác cũng đã tử vong tại Queens khi tham gia trào lưu này, trong khi một người khác "suýt gặp nạn sau khi đập đầu vào tường tàu điện ngầm" ở khu Bronx, theo Sở Cảnh sát New York.

Trong thông điệp gửi đến công chúng trên nền tảng X (Twitter), Sở Cảnh sát New York cảnh báo: “Hành vi mạo hiểm này có thể chấm dứt cuộc đời bạn. Lướt tàu điện ngầm thực sự là kẻ giết người. Hãy dừng lại và bảo vệ tính mạng của mình!”

Trước tình trạng đáng báo động, Cơ quan Giao thông Vận tải Đô thị New York (MTA) đã hợp tác với các mạng xã hội lớn như YouTube, TikTok và Instagram nhằm xóa bỏ hàng loạt video quảng bá thử thách "lướt tàu điện ngầm." Theo thông báo từ MTA, hơn 10.000 bài đăng có nội dung liên quan đã bị gỡ bỏ kể từ tháng 9, nhằm giảm thiểu khả năng lan truyền của thử thách nguy hiểm này.

Meta (chủ sở hữu Facebook và Instagram), Google và TikTok cũng đã triển khai các chiến dịch nâng cao nhận thức và cam kết xóa bỏ những nội dung thúc đẩy trào lưu này. Dù vậy, vào tháng trước, 14 tổng chưởng lý tại Mỹ đã đồng loạt đệ đơn kiện TikTok vì không ngăn chặn triệt để các thử thách nguy hiểm. Nhiều gia đình có con em thiệt mạng vì "lướt tàu điện ngầm" cũng đã kiện các mạng xã hội vì cho rằng chúng là một phần nguyên nhân dẫn đến thảm kịch này.

Thị trưởng New York, ông Eric Adams, bày tỏ sự đau lòng trước cái chết của các thiếu niên và kêu gọi các nền tảng xã hội cùng chung tay hành động. “Chúng tôi đã cố gắng hết sức để nâng cao nhận thức cộng đồng, nhưng cần sự hỗ trợ của toàn thể người dân New York và các công ty mạng xã hội để ngăn chặn xu hướng nguy hiểm này,” ông nhấn mạnh.

Theo tiến sĩ Gail Saltz, chuyên gia tâm lý học tại Đại học Y Weill Cornell, mạng xã hội có vai trò lớn trong việc khuyến khích những hành vi mạo hiểm của giới trẻ. “Bất kỳ ai trên mạng xã hội đều chịu một áp lực lớn trong việc tạo ấn tượng, muốn được chú ý và công nhận,” bà Saltz giải thích. Đối với những người trẻ, những lượt thích, bình luận và chia sẻ là một dạng "phần thưởng" tích cực, thúc đẩy họ lặp lại các hành vi gây nguy hiểm mà không màng đến hậu quả.

Các thử thách trên mạng xã hội từng là công cụ nâng cao nhận thức cộng đồng, như thử thách xô nước đá ALS, nhưng đã phát triển thành những trò chơi nguy hiểm hơn như thử thách Milk Crate, Benadryl, và mới đây là lướt tàu điện ngầm.

Tiến sĩ Saltz khuyên rằng, trong thời đại mạng xã hội phát triển như hiện nay, cha mẹ cần trò chuyện cùng con cái về các xu hướng nguy hiểm trên mạng và cung cấp cho trẻ em những thông tin thực tế về lý do vì sao không nên tham gia.