Chờ...

Nam Kỳ lục tỉnh

(VOH) - Như đã giới thiệu, người Việt đã đến khai phá đồng bằng Nam bộ từ thế kỷ thứ XVII, khi đất nước còn bị chia làm 2 miền là Đàng Trong và Đàng Ngoài, bị chiến tranh Trịnh – Nguyễn chi phối. Cuộc chiến kéo dài khiến nhiều nông dân phải rời bỏ quê hương, xiêu tán vào vùng đất phía Nam lập nghiệp.

Nghe bài viết:

Địa danh Gia Định đã xuất hiện từ 300 năm qua, khi là phủ, khi là tỉnh, là toàn xứ Nam bộ, lại chỉ định những địa bàn hành chính rất khác nhau. Và nhắc đến Nam bộ, không thể không nhắc đến Nam Kỳ Lục tỉnh, là tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn độc lập, tức là khoảng thời gian từ năm 1832 (cải cách hành chính của Minh Mạng) tới những năm 1860 (khi Pháp chiếm lần lượt 3 tỉnh Miền Đông và Miền Tây Nam bộ).

Nam kỳ lục tỉnh. Ảnh minh hoạ

Theo sử sách, năm Minh Mạng thứ 13 (tức năm Nhâm Thìn, 1832), vua Minh Mạng bãi bỏ Gia Định Thành, đổi các trấn thành tỉnh, chia 5 trấn của Gia Định Thành trước đây thành 6 tỉnh gồm Phiên An (tức Gia Định sau này), Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Hai năm sau (năm Giáp Ngọ, 1834), vùng Lục tỉnh thuộc Gia Định Thành trước đây được gọi chung là Nam Kỳ. Từ đó có tên gọi là Nam Kỳ Lục tỉnh. Trong dân gian, còn chia thành ba tỉnh miền Đông gồm Gia Định, Định Tường, Biên Hòa và ba tỉnh miền Tây gồm Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.

Chợ Mỹ Tho xưa. Ảnh minh hoạ

Nói đến việc khai hoang ở Gia Định xưa, không thể không kể đến vai trò của các đồn điền dưới triều Nguyễn. Trong cuốn “Tìm hiểu chế độ ruộng đất Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX”, Vũ Huy Phúc có nêu: “trong số 25 quyết định về tổ cức khai hoang từ 1802 đến 1855, thì có 16 quyết định về miền Nam, 2 ở miền Bắc, 1 ở kinh kỳ và 6 có ý nghĩa toàn quốc”. Nêu những con số để thấy rằng, nhà Nguyễn xưa đã dành ưu tiên cho việc khẩn hoang ở miền Nam ra sao. Và lực lượng đi khẩn hoang trước hết là binh lính, dưới hình thức đồn điền. Còn lực lượng thứ hai không ai khác chính là dân được mộ đi làm đồn điền.

Trong 50 năm đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn tích cực phát triển công điền. Chế độ tư hữu về ruộng đất trong bước đầu khẩn hoang đã tạo ra sự hứng thú cho người khai khẩn. Triều đình phong kiến ra lệnh lấy 1 phần ruộng tư làm công điền, tức là thuộc quyền sở hữu của nhà vua, của triều đình. Về nguyên tắc, công điền để cho người không có ruộng cày cấy, đóng tô cho làng. Tuy nhiên, công điền do làng sử dụng, nghĩa là do hương chức, cường hào nắm giữ. Họ phân phát cho tay chân bộ hạ, chứ không hẵn là cho người không có ruộng.

Cũng nói về đất đai, thì ngày xưa, đất gồm 2 loại là điền và thổ. Điền là đất làm ruộng lúa lại chia làm sơn điền và thảo điền, tức là đất núi cao ráo với đất thấp nhiều cỏ. Sơn điền đóng thuế nhạ hơn vì đất xấu hơn. Còn Thổ là đất trồng hoa màu, vườn tược.

Khi địa bộ Nam Kỳ lục tỉnh đã hoàn chỉnh, mỗi xã lập 3 bản giống nhau, gửi về Bộ 1 bản, bản thứ 2 gửi tại phòng quan Bố chánh ở tỉnh và bản thứ ba thì xã giữ lại. Trong địa bộ, đất đai đều ghi rõ ranh giới cùng nhiều chỉ dẫn khác để làm chuẩn. Có thể dẫn ra đây 1 vài ví dụ như đất giáp ranh đất hoang thì ghi rõ là “hoang nhàn dư địa”, còn giáp ranh đất có chủ mà vắng mặt 5 năm trở lên thì ghi là đất “hoang phế”.