Ngã Ba Giồng "địa chỉ đỏ" giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ

(VOH) - Di tích lịch sử Ngã Ba Giồng thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia từ tháng 12/2002.

Là một trong những "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng, di tích lịch sử Ngã Ba Giồng tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn như chứng nhân cho sự bất khuất, anh hùng của các chiến sĩ cách mạng giai đoạn đầu kháng chiến. Nơi đây không chỉ lưu dấu nét văn hoá 18 thôn vườn trầu mà còn là địa điểm để thế hệ trẻ học tập, giao lưu tìm hiểu về lịch sử đấu tranh của vùng đất ngoại thành anh dũng Hóc Môn.

Di tích lịch sử Ngã Ba Giồng thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia từ tháng 12/2002. Thời Pháp thuộc, nơi đây là trường bắn đã xử tử nhiều chiến sỹ cách mạng và đồng bào yêu nước tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ, trong đó có nhiều đồng chí là Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương, Xứ ủy Nam Kỳ, Tỉnh ủy Gia Định, Quận ủy Hóc Môn và đồng bào yêu nước tham gia khởi nghĩa. Các tên tuổi như  Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu, Đỗ Văn Dậy, Phạm Công Bỉnh, Nguyễn Thị Thử, Phạm Văn Sáng… đã lưu dấu tại vùng đất cách mạng này.

Để tri ân, tưởng niệm những các chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh trong Khởi nghĩa Nam Kỳ, tháng 4/2005, Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn đã chỉ đạo thực hiện Công trình  xây dựng Khu Tưởng niệm Liệt sĩ Ngã Ba Giồng, một công trình có ý nghĩa lớn về mặt văn hóa, lịch sử với cả thành phố và vùng Nam Bộ. Ngày 23/11/2010 nhân kỷ niệm 70 năm Khởi nghĩa Nam kỳ Khu tưởng niệm được khánh thành và đi vào hoạt động.

Ngã Ba Giồng
Khu Tưởng niệm Liệt sĩ Ngã Ba Giồng

Khu tưởng niệm, được xây dựng trên khu đất với diện tích hơn 7 hecta tại số 1 đường Phan Văn Hớn, ấp 5, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn. Trong đó, bao gồm nhiều hạng mục như: đền chính, nhà truyền thống, quảng trường, tượng đài Chiến sĩ vô danh, tượng đài Bất khuất, Trường bắn... Mỗi công trình được chăm chút bằng tấm lòng tri ân người đi trước, nhắc nhớ cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ với những dữ liệu thông tin chân thực, sống động. Chị Tiêu Thị Nhạn Dung, Hướng dẫn viên Khu tưởng niệm chia sẻ: "Các cô chú lớn tuổi, rồi các em học sinh trung học  đến Khu tưởng niệm có rất nhiều cảm xúc. Học sinh phản ánh rất tốt vì khi đến đây các em biết thêm lịch sử, được nghe những câu chuyện kể, tìm hiểu thêm. Nhìn chung, cảm xúc nhiều người khi đến đây thắp nén hương, tri ân các anh hùng liệt sĩ. Một số người rất xúc động, nhiều người quay lại rất nhiều lần."   

Không chỉ nhắc nhớ lịch sử hào hùng, quần thể Khu tưởng niệm Ngã Ba Giồng còn khắc hoạ nếp sống, thói quen sinh hoạt của người dân 18 thôn vườn trầu, cái nôi của những cuộc kháng chiến vì chính nghĩa. 18 cụm trầu cau với khoảng 5.000 nọc trầu và vô số gốc cau mặc cho thế sự đổi thay vẫn hiên ngang vươn mình xanh tươi trong nắng mới. Thực tế ngày nay, số vườn trầu trên địa bàn huyện Hóc Môn cũng không còn nhiều. Cảnh quan như nhắc nhở, khắc hoạ thêm nếp sinh hoạt, tấm lòng người dân Bà Điểm Hóc Môn trong thời kỳ kháng chiến. Những tình cảm ấy đã được đồng chí Hoàng Quốc Việt đề cập trong hồi ký cách mạng, khi nói về cuộc họp hội nghị trung ương 1937: “Đất vườn trầu nhà nọ thông qua nhà kia, không rào dậu, đồng bào tốt vô chừng, không có vận động gì hết mà đồng bào có cơ sở đem cho hội nghị, thừa gạo, thừa thức ăn tươi, có nhà đánh được con cá to cũng đem cho hội nghị, bà con không hiểu họp gì, chỉ biết là có hội nghị quan trọng của Đảng”.

Ngã Ba Giồng
Các cụm trầu cau tượng trưng cho văn hóa vùng đất 18 thôn vườn trầu

Ngoài ra, khu tưởng niệm còn phục dựng đường tre trúc, bằng lăng phần nào nhắc nhớ về địa danh Ngã Ba Giồng Bằng lăng xưa.  Khu trưng bày các hình ảnh, hiện vật Hóc Môn thuở trước, của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và là điểm lui tới thường xuyên của học sinh trên địa bàn, gắn bó với các tiết học trải nghiệm lịch sử văn hoá Nam bộ. Giáo viên Võ Băng Quân, Trường Trung học phổ thông Phạm Văn Sáng, huyện Hóc Môn cho biết việc thăm viếng Khu tưởng niệm như là hoạt động truyền thống cho học sinh đầu cấp mới vào trường. "Vào mỗi đầu học kỳ, tiếp nhận học sinh mới - học sinh lớp 10, như tiền lệ, Đoàn trường tổ chức cho học sinh đến thắp hương tưởng niệm các vị anh hùng liệt sĩ, đồng thời ôn lại truyền thống cách mạng của dân tộc. Học sinh rất hào hứng vì ở nơi đó các em có thể tìm hiểu về truyền thống cách mạng cũng như tham gia các trò chơi dã ngoại vận động... để các em có nhiều năng lượng tích cực bước vào môi trường mới THPT", thầy Quân cho biết.    

Ông Nguyễn Sỹ Phước - Phó Giám đốc Ban quản lý Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng cho biết hàng năm khu tưởng niệm là điểm cắm trại dã ngoại, nơi về nguồn, sinh hoạt ngoại khoá của sinh viên nhiều trường đại học. Khu tưởng niệm giúp thế hệ trẻ và người dân hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử Nam kỳ khởi nghĩa nên Ban quản lý và toàn bộ nhân viên luôn ý thức giữ gìn, tôn tạo cảnh quan nơi đây. Ông Nguyễn Sỹ Phước thông tin thêm: "Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng còn là nơi tổ chức các hoạt động nhân các ngày lễ lớn của dân tộc để các ban ngành, đoàn thể của Thành phố đến dân hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tri ân các anh hùng liệt sĩ. Những năm gần đây, nhiều Sở ngành thành phố, đặc biệt các quận - huyện uỷ, một số đoàn thể thành phố thường tổ chức lễ Kết nạp Đảng ngay tại đây."   

Qua 10 năm đi vào hoạt động, Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng không chỉ là nơi giáo dục truyền thống đạo đức, lý tưởng cách mạng, mà còn hun đúc tinh thần yêu nước, nhiệt huyết thanh niên cho thế hệ trẻ. Để từ đó, hào khí bất khuất của Khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn mãi âm vang, dù 70 năm, 80 năm hay hàng thế kỷ.