Chờ...

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là hiện tượng hết sức độc đáo!

(VOH) - 40 năm thành phố Sài Gòn – Gia Định – TPHCM, văn học thành phố với nguồn phong phú về số lượng cũng như đa dạng đề tài, hình thức, thể loại, có vị trí rất quan trọng trong đời sống văn học cả nước.

Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) trao đổi cùng nhà thơ Phan Hoàng – Phó chủ tịch hội nhà văn TP về những đóng góp của văn học thành phố 40 năm qua.

Nhà thơ Phan Hoàng. Ảnh: baodatviet

*VOH: Thưa nhà thơ, ông nhận xét những dấu ấn của văn học thành phố 40 năm?

Nhà thơ Phan Hoàng: 40 năm qua, văn học TPHCM đạt rất nhiều thành quả. Có thành quả ấy thì phải có lực lượng sáng tác.

Có lẽ trên cả nước, không ở đâu có lực lượng sáng tác phong phú như TPHCM. Nguồn là từ những nhà văn từ chiến khu, nhà văn đi tập kết trở về, đồng thời có đội ngũ khá đông ở miền Nam trước 1975. Đông đảo nhất là nhà văn trưởng thành từ sau 1975. Mới nhất là nhà văn, nhà thơ trưởng thành từ thế kỉ XXI đến nay.

Từ nguồn phong phú ấy mới đem đến cảm hứng và thành quả sáng tác, cũng phản ánh đời sống bằn những góc nhìn khác nhau. Góc nhìn ở đây là từ quan điểm, nền tảng văn hóa khác nhau.

Từ đó, tôi cho rằng đời sống văn học, thành quả văn học của thành phố hết sức phong  phú.

*VOH: Nếu phong phú về lực lượng sáng tác thì thể loại, đề tài văn học cũng sẽ rất phong phú?          

Nhà thơ Phan Hoàng: Đúng vậy. Ví dụ một người gốc Nam bộ thì dùng phong cách, ngôn ngữ của văn học Nam bộ; người sinh ra ngoài Bắc nhưng vô Sài Gòn thì vừa tiếp thu cái mới vừa giữ bản sắc của mình. Hoặc người duyên hải miền trung vô đây học tập, sinh sống thì vừa tiếp thu cái mới của Sài Gòn nhưng vẫn giữ nét của người miền Trung.

Vì vậy, tác phẩm văn học ở TPHCM hết sức phong phú và đặc sắc. Tôi muốn nói rằng phải nhìn nhận văn học Sài Gòn - TPHCM ở góc nhìn đa chiều.

Điều khác nữa là TPHCM là thành phố năng động, bề dày văn hóa không phải là lớn như những vùng khác nhưng ẩn sâu thì vẫn là một gì đấy đầy bí ẩn đồng thời cũng là những đổi mới sáng tạo từ đó giúp cho người dù ở bất cứ nơi đâu đã về Sài Gòn là rất dễ hòa nhập, tạo cho mình một con đường riêng. 

* VOH: Nhà thơ nhận xét như thế nào về vai trò của đọc giả và vị trí của văn học trẻ, thiếu nhi trong thời gian gần đây?

Nhà thơ Phan Hoàng: Bạn đọc hết sức quan trọng vì có bạn đọc thì tác phẩm mới tồn tại. Vì lẽ đó mà các nhà văn Sài Gòn - TPHCM đã có cách tiếp cận rất riêng. Tiếp cận không chỉ bằng nội dung mà còn ở hình thức, giới thiệu tác phẩm thông qua những kênh truyền thông, hình thức khác nhau.

Mới đây thôi khi mà người ta cho rằng thơ không còn đất sống thì nhà thơ Nguyễn Phong Việt tạo nên dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường. Ở đây tôi chưa nói hay hay không nhưng hiện tượng Nguyễn Phong Việt đã chứng tỏ rằng thơ vẫn còn đời sống riêng và bạn đọc vẫn tìm đến thơ.

Ngay sau đấy, cũng tại TPHCM, những Nồng nàn phố, Thiên Ngân và những nhà thơ khác nữa dù không làm công tác PR nhưng thơ của họ cũng lặng lẽ chảy và nhiều người tìm đến đọc.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là hiện tượng hết sức độc đáo. Tôi tin rằng không phải lúc nào anh cũng chú ý vào chuyện bán sách vì trước hết sáng tác là động lực bản thân. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là hình ảnh tiêu biểu nhất cho sự năng động của văn học Sài Gòn – TPHCM. Còn rất lâu mới có hiện tượng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Trong 40 năm qua, còn có hàng trăm nhà văn khác đã và đang đóng góp cho văn học TPHCM và trong đó đặc biệt là nhà văn trẻ mới trưởng thành từ cuối thế kỉ XX và đầu thế kỉ XXI. Cơ bản là họ biết tiếp thu tinh túy, thi pháp của thế giới và nhìn đời sống một cách khách quan hơn thế hệ cha anh. 

VOH: Cảm ơn nhà thơ!