Phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa

(VOH) - Sự phát triển văn hóa của TPHCM diễn biến khá phức tạp và trải qua nhiều lần thay đổi. Khi những người Việt đầu tiên đến khai phá vùng đất Sài Gòn – Gia Định từ cuối thế kỷ XVI đã tạo nên một dấu ấn văn hóa của những người đi mở cõi.

Môi trường văn hóa đô thị Sài Gòn được thừa nhận có những nét vượt trội so với môi trường văn hóa  đô thị trong nước và khu vực. Và không ai khác ngoài những con người ở thành phố trẻ này đã làm nên nét đẹp văn hóa Sài Gòn như Giáo sư Trần Văn Giàu từng ngợi khen: “Sài Gòn đẹp, lớn, đáng yêu, đáng kính không phải ở cảnh thiên nhiên, ở kiến trúc, cả ở kinh doanh nữa, mà trước hết và chủ yếu là ở con người”.

Phát triển kinh tế và phát triển văn hóa phải đi đôi. Ảnh minh họa: Khiêm Huân

Bước vào thời kỳ đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, kinh tế thành phố như được tiếp thêm sức mạnh, ngày càng phát triển. Và yêu cầu đặt ra với một địa bàn có nền kinh tế phát triển bậc nhất cả nước là phải trở thành địa phương có đời sống văn hóa tiêu biểu.

Sự thâm nhập của văn hóa độc hại, sự lai căn, lối sống thực dụng và những tiêu cực khác của sự phát triển và hội nhập đã và đang tác động đến các giá trị văn hóa truyền thống, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của thành phố. Do vậy, cần một chiến lược rõ ràng và lâu dài để hài hòa giữa sự phát triển kinh tế và phát triển văn hóa một cách bền vững.

Trong quá khứ, chủ nghĩa đế quốc coi văn hóa như một công cụ hữu hiệu để nô dịch các dân tộc, tìm cách áp đặt các giá trị văn hóa tư sản vào các quốc gia mà họ muốn chinh phục, gây ảnh hưởng hoặc xâm lăng. Vậy mà, Sài Gòn – TPHCM, bằng nội lực của mình đã vượt qua những thử thách trong thời kỳ bị xâm lược. Ở thời điểm hiện tại, việc phát triển văn hóa đồng bộ với phát triển kinh tế góp phần không nhỏ thúc đẩy người lao động không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao tay nghề, nâng cao năng suất lao động, cống hiến cho sự phát triển chung.

Trong lĩnh vực văn hóa, thành phố có những nét đặc trưng riêng, một môi trường mang bản chất văn hóa nhân văn có sức hội tụ lớn và lan tỏa mạnh ở các tỉnh Nam Bộ, trở thành trung tâm văn hóa của khu vực phía Nam.

Để văn hóa thành phố phát triển tương đồng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, chúng ta cần những giải pháp đồng bộ. Trong đó, cần đầu tư phát triển văn hóa sao cho tương thích với đầu tư kinh tế và mang lại hiệu quả cao, coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển. Bên cạnh đó cần làm sao cho những phong trào văn hóa gắn kết chặt chẽ hơn nữa với phong trào thi đua yêu nước trong toàn xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển nhanh và bền vững.

Phát triển hài hòa, đồng bộ giữa kinh tế và văn hóa là mấu chốt của chiến lược phát triển bền vững. Hơn ai hết, TPHCM càng phát triển về kinh tế thì càng cần quán triệt và thực hiện tốt phương châm này. Trong quá trình giao lưu văn hóa, hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực, mỗi người dân thành phố cần nhận thức rõ điều này, tiếp thu một cách có chọn lọc những tinh hoa văn háo nhân loại để làm sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần củng cố và làm phong phú thêm nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc rất đáng tự hào của dân tộc.

Thật tự hào làm sao nếu mỗi người dân thành phố đều có thể ngẩng cao đầu chinh phục thế giới không chỉ bằng những chỉ số phát triển về kinh tế mà còn vì nét đẹp văn hóa, nét đẹp tâm hồn của mỗi con người nơi đây. Tin rằng, một khi đồng lòng, TPHCM sẽ làm được điều đó, vào một ngày không xa.