Quy hoạch chung xây dựng TPHCM

(VOH) - TPHCM là đô thị đặc biệt của nước ta, là đô thị lớn của khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như thế giới, đóng vai trò chủ đạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước.

Ngay từ những ngày đầu sau giải phóng, tình hình kinh tế còn khó khăn, thành phố vẫn phải phấn đấu, từng bước cải tạo với mục tiêu chuyển mình từ một thành phố tiêu thụ sang thành phố sản xuất.

TPHCM là đô thị đặc biệt của nước ta, là đô thị lớn của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. (Ảnh: VGP)

Từ năm 1976 đến năm 1982, thành phố đã tiến hành gấp rút một số công việc nhằm ổn định cuộc sống người dân. Có thể kể đến như: điều tra cơ bản, toàn diện thực trạng đô thị để chuẩn bị đề xuất những định hướng ban đầu về cải tạo xây dựng và phát triển thành phố; Quy hoạch cải tạo các khu vực công nghiệp, sắp xếp lại tiểu thủ công nghiệp xen cài trong nội thành, vừa tạo công ăn việc làm, vừa giảm bớt ô nhiễm trong khu dân cư; Cải thiện trước mắt phúc lợi công cộng và hạ tầng giao thông, cấp điện – nước cho sinh hoạt tại các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề sau chiến tranh bằng giải pháp xây dựng mới và cải tạo các công trình hiện có.

Thành phố cũng thí điểm xây dựng mới một số khu nhà ở cho công nhân (đặc biệt là công nhân vệ sinh) vừa phát động nhân dân nội thành tự sắp xếp, sửa chữa nhà ở quá chật hẹp theo phương thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Đây là giai đoạn sơ khởi cho việc chuẩn bị nghiên cứu đồ án “Cơ sở kinh tế - kỹ thuật quy hoạch cải tạo và xây dựng TPHCM” sau này. Đến tháng 4/1984, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên giao nhiệm vụ cho UBND TP tổ chức nghiên cứu, phối hợp với các chuyên gia của Maxcova và Leningrat, các bộ ngành Trung ương triển khai lập đồ án “Cơ sở kinh tế - kỹ thuật quy hoạch cải tạo và xây dựng TPHCM”. Tài liệu của đồ án này mang đầy đủ tính nghiên cứu khoa học tổng hợp và chiến lược, nó khẳng định hướng phát triển tương lai tối ưu trên cơ sở phân tích khách quan các điều kiện, cũng như các yếu tố tác động đa dạng về kinh tế, văn hóa, xã hội, kỹ thuật và môi trường.

Tháng 2/1988, Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước thống nhất cao về thỏa thuận nội dung nhiệm vụ lập đồ án quy hoạch tổng mặt bằng cải tạo xây dựng TPHCM. 2 năm sau, Phó Chủ tich Hội đồng Bộ trưởng Trần Đức Lương đã chủ trì cuộc họp chỉ đạo cho công tác lập quy hoạch tổng mặt bằng. 2 năm sau đó, vào tháng 10/1992 Bộ Chính trị thông qua đề án. Đây là giai đoạn có những chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, nhận thức và cách tiếp cận mới từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN.

Việt Nam vào thời điểm đó cũng đã bắt đầu thiết lập bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, giai nhập khối ASEAN,… đã mở ra một yêu cầu mới cho TPHCM là trở thành một trong những thành phố tầm cỡ khu vực và quốc tế, với định hướng phát triển kinh tế gắn với cảng nước sâu, tiến ra biển Đông. Nội dung nghiên cứu đã bắt đầu quan tâm đến mô hình đô thị, chọn lựa hướng phát triển chính – phụ, phân khu chức năng chủ yếu, gắn kết với vùng và dựa trên cơ sở quy hoạch kinh tế - xã hộ mới được phê duyệt. Và Đồ án Quy hoạch tổng thể xây dựng TPHCM – đồ án quy hoạch chung xây dựng đầu tiên, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 1993.

Nhìn lại quá trình quy hoạch thành phố phải kể đến thời điểm tháng 2/1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có ý kiến chỉ đạo về quy hoạch chỉnh trang nội thành và phát triển các khu đô thị mới ở TPHCM, làm cơ sở cho việc điều chỉnh lần thứ nhất nhằm đáp ứng các yêu cầu mới mà đồ án quy hoạch chung xây dựng đã được phê duyệt năm 1993 trước đây chưa được đề cập. Đến tháng 7/1997, đề án quy hoạc tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đầu tiên của thành phố được lập và phê duyệt, đã xác định một số mục tiêu, nhiệm vụ và chỉ tiêu cụ thể cho việc tăng trưởng.

Năm 2002, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, đã đặt ra hàng loạt các vấn đề như: quy hoạch thành phố cần xem xét với tầm nhìn xa hơn, hướng tới một siêu đô thị bền vững, nghiên cứu mô hình nhà ở cho một đô thị hiện đại trong tương lai gần, yêu cầu phủ kín quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 cho khu vực đô thị hóa, cũng như mở rộng khu trung tâm của một đô thị tầm cỡ, yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, và phát triển cơ sở vật chất cho các ngành kinh tế - kỹ thuật của thành phố,...

Thời điểm này, UBND TP đã giao Sở Quy hoạch Kiến trúc tập trung chỉ đạo Viện Quy hoạch xây dựng phối hợp cùng Công ty Tư vấn Nikken Sekkei của Nhật Bản để nghiên cứu, lập và trình duyệt đồ án điều chỉnh lần thứ 2. Đồ án điều chỉnh này đã phát huy vai trò đặc biệt của thành phố trong mối quan hệ vùng đô thị TPHCM, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với cả nước và quốc tế khi chúng ta chính thức là thành viên của WTO. Đồ án được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 1/2010.

Cho đến ngày nay, nhìn chung, bố cục đô thị của thành phố nổi lên với hình ảnh của một đô thị tập trung và đa trung tâm, nối kết chặt chẽ với chùm đô thị của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo ra mạng lưới đa trung tâm cấp thành phố gồm trung tâm chính hiện hữu (Quận 1, Quận 3, một phần Quận 4 và Quận Bình Thạnh) mở rộng về Thủ Thiêm, kế đến là trung tâm Chợ Lớn và Nam Sài Gòn. Phân khu phía Đông gồm Quận 2, Quận 9, Thủ Đức với trung tâm phụ tại Quận 9 nối kết với Thủ Dầu Một (Bình Dương) và Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai). Phía Nam với khu đô thi mới Phú Mỹ Hưng và khu đô thị cảng Hiệp Phước kết nối với Tiền Giang, Long An. Phía Tây với 3 mảng đô thị An Lạc, Tân Tạo, Vĩnh Lộc nối lên Lê Minh Xuân thuộc Bình Chánh tới Bến Lức (Long An). Còn phía Bắc là khi đô thị mới Tây Bắc TPHCM nối liền thành phố với Trảng Bàng và cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh).