Chờ...

Sau Cách mạng tháng Tám và Nam bộ kháng chiến, nhân dân Sài Gòn tham gia cuộc tổng tuyển cử đầu tiên

(VOH) - Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng nói: “Cách mạng tháng Tám là một cuộc tổng khởi nghĩa kết hợp tài tình giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, 1 cuộc nổi dậy đồng loạt ở cả thành thị lẫn nông thôn mà đòn quyết định là các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn”.

Nghe bài viết:

Quả là như vậy, trong những ngày tháng 8 rực lửa năm 1945, đồng hành cùng các địa phương trên cả nước, đáp lại lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Việt Minh, Xứ ủy Nam Kỳ đã quyết định khởi nghĩa vào ngày 25/8. Sự kiện trọng đại này đã được ghi dấu bằng nhiều hoạt động khác nhau, trong đó, nổi bật hơn cả là cuộc biểu tình vũ trang lớn nhất ngay tại Sài Gòn.

Vào đêm 24, rạng sáng 25/8, lực lượng công nhân, nông dân, thanh niên ở TP và các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Biên Hòa, Bến Tre, Tân An, Thủ Dầu Một,… mang giáo mác, tầm vông vạt nhọn kéo vào nội thành. Quân khởi nghĩa đã đánh chiếm soái phủ Nam Kỳ, dinh Khâm sai đại thần, sở cảnh sát, nhà ga xe lửa, bưu điện, nhà đèn,… Địch phản ứng yếu ớt, liền bị lực lượng khởi nghĩa đè bẹp giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân.

Nhân dân Sài Gòn - Gia Định khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945 - Ảnh tư liệu.

Sáng sớm 25/8/1945, cả triệu quần chúng Sài Gòn – Chợ Lớn và các tỉnh lân cận xếp thành hàng ngũ dọc theo đại lộ Norodom (nay là đường Lê Duẩn) để dự lễ mitting. Và cuộc biểu tình vũ trang đã bắt đầu ngay sau đó, theo đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi) về dinh Đốc lý (tức là trụ sở UBND thành phố hiện nay). Chính tại đây, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã tuyên đọc danh sách của Ủy ban hành chánh lâm thời Nam Bộ. Cuộc biểu tình chấm dứt trong tiếng nhạc bài “Lên đàng” và “Thanh niên hành khúc”.

Vậy là cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn đã thành công nhanh chóng mà không đổ máu. Báo chí đồng loạt đăng bài tường thuật và bình luận về sự kiện lịch sử này với tất cả niềm hân hoan tự hào của một dân tộc đứng lên làm cuộc cách mạng đổi đời. Đây là bước ngoặt hết sức to lớn trong lịch sử của TP chúng ta.

Giữa lúc nhân dân Nam bộ đang hưởng không khí độc lập tự do sau 28 ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, thì ngày 23/9/1945, bọn Pháp núp bóng quân Anh đã dùng vũ lực đánh chiếm các cơ quan chính quyền cách mạng ở thành phố Sài Gòn, như Ủy ban hành chánh Nam Bộ, Sở Cảnh sát, đài phát thanh, ngân hàng,.. rồi tiến qua cầu Thị Nghè, cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Khánh Hội, cầu Mac Mahon (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi)…., mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.

Trước hành động ngang ngược của thực dân Pháp, cùng ngày, Xứ ủy Nam Kỳ và Ủy ban hành chánh Nam Bộ họp khẩn cấp, quyết định phát động kháng chiến đánh Pháp. Ông Trần Văn Giàu, Chủ tịch Ủy ban hành chánh Nam Bộ đã viết lời kêu gọi Nam Bộ kháng chiến, trong đó có đoạn: “Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái, hãy cầm võ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược”.

Từ ngày 23/9/1945 đến 19/12/1946, chiến trường Nam bộ đã hoàn toàn làm phá sản chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”, “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của địch, thu hẹp vùng kiểm soát của chúng, xây dựng lực lượng vũ trang của ta và bước đầu hình thành hệ thống chính quyền cách mạng. Tháng 2/1946, thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng nhân dân Nam bộ danh hiệu “Thành Đồng Tổ Quốc”.

Ngày 6/1/1946, bất chấp hoàn cảnh khó khăn, nhân dân Sài Gòn vẫn hăng hái tham gia cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, bầu ra Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.